Hà Nội bật mode 'chế độ xanh', từ phương tiện đến hơi thở: Xe điện phủ sóng, hướng tới thành phố sạch hơn, đáng sống hơn.
Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp cùng TP Hà Nội xây dựng đề án trình Thủ tướng về xử lý ô nhiễm không khí. Các Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công an, Xây dựng được giao nhiệm vụ xác định rõ nguồn phát thải, tỷ lệ đóng góp của từng loại hình và khuyến nghị giải pháp phù hợp như di dời hoặc đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nặng, siết chặt tiêu chuẩn khí thải phương tiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, chất lượng không khí Thủ đô đang suy giảm trên diện rộng, với nguồn ô nhiễm chính đến từ giao thông chiếm 58-74%, kế đến là công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt dân sinh. Đáng chú ý, với dân số hơn 8 triệu người, Hà Nội hiện có tới 6,9 triệu xe máy và 1,1 triệu ô tô – mật độ phương tiện cao gấp nhiều lần mức trung bình cả nước.
Trước thực trạng đó, Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp như vận hành hệ thống quan trắc không khí, thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển giao thông công cộng và năng lượng xanh.
Xe điện - mũi nhọn chiến dịch "xanh hóa"
Không chỉ tập trung vào xử lý nguồn phát thải hiện tại, Hà Nội đang đặt trọng tâm vào việc "xanh hóa" phương tiện giao thông, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Hà Nội đang có 128 tuyến buýt trợ giá với 1.903 phương tiện. Tuy nhiên, chỉ có 282 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe khí nén CNG và 143 xe buýt điện), số còn lại chủ yếu đạt tiêu chuẩn Euro IV trở lên. Để tăng tốc quá trình chuyển đổi, thành phố cho phép 4 doanh nghiệp vận tải thí điểm 5 tuyến buýt điện với tổng cộng 76 xe.
Theo kế hoạch mới, chậm nhất đến năm 2030, 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng sạch, thay vì mốc 2035 như kế hoạch cũ. Thành phố dự kiến cần khoảng 48.625 tỷ đồng cho lộ trình này, trong đó hơn 35.000 tỷ từ ngân sách và phần còn lại từ doanh nghiệp.

Hà Nội dự kiến cần khoảng 48.625 tỷ đồng để chuyển đổi 100% xe buýt điện hoặc sử dụng năng sạch đến năm 2023. (Ảnh: Thanh Trà)
Không dừng ở xe buýt, Hà Nội còn đặt mục tiêu "xanh hóa" toàn bộ hệ thống taxi và phương tiện cá nhân, đồng thời phát triển mạng lưới trạm sạc rộng khắp thành phố để hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - nhấn mạnh, quản lý chất lượng không khí phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Hà Nội. Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư vào giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch, đồng thời tháo gỡ rào cản chính sách để thu hút nguồn lực tài chính. Ông cũng kiến nghị Hà Nội cần đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong ra khỏi nội đô vào năm 2035, xây dựng các cơ chế quota giới hạn đăng ký xe xăng, đồng thời đẩy mạnh trợ giá phương tiện điện, phát triển trạm sạc và nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.

Chuyên gia kiến nghị cần xây dựng cơ chế quota giới hạn đăng ký xe xăng, đẩy mạnh trợ giá phương tiện điện. (Ảnh: Thanh Trà)
Bên cạnh đó, phía chuyên gia cũng cho rằng, cần nhân rộng mô hình này ra nhiều đô thị lớn khác, để tạo ra làn sóng chuyển đổi xanh đồng bộ trên toàn quốc.
Đẩy mạnh lộ trình giao thông xanh
Trên thực tế, nhiều địa phương khác cũng đang đẩy mạnh lộ trình giao thông xanh.
Tại TP.HCM, từ năm 2025, tất cả các xe buýt mới đầu tư sẽ phải sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, hướng tới tỷ lệ 50% phương tiện sử dụng năng lượng sạch vào năm 2030. Thành phố cũng đang phát triển hàng loạt tuyến đường vành đai, cao tốc liên vùng, hệ thống logistics để giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, huyện Cần Giờ được xác định là nơi tiên phong thí điểm các chính sách về phát triển xanh. Hiện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đang nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ. Đề án đặt mục tiêu 20 - 30% người dân, 30 - 50% du khách sử dụng giao thông công cộng tại Cần Giờ; 50 - 70% người dân có xe máy điện và 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.
Tương tự, Tại Đà Nẵng, thành phố này cũng ký kết với các doanh nghiệp để phát triển tuyến buýt điện liên tỉnh Đà Nẵng – Huế và taxi điện nội đô. Trong khi đó, Phú Yên đã khai trương mô hình Trạm giao thông xanh đầu tiên tại Tuy Hòa, phục vụ cả du khách và người dân.
https://vtcnews.vn/ha-noi-bat-mode-che-do-xanh-tu-phuong-tien-den-hoi-tho-ar936057.html