Hà Nội bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ: Đẩy nhanh tiến độ thi công, khắc phục sự cố

Chỉ còn hơn một tháng nữa là bước vào cao điểm mùa mưa lũ năm 2025 với nhiều cảnh báo về thời tiết cực đoan, bất thường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không ít công trình khắc phục sự cố đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra từ mùa mưa bão năm 2024 vẫn chưa hoàn thành.

Thực trạng này đòi hỏi các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thi công; chính quyền các cấp khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình phòng, chống lũ.

Nhiều sự cố chưa được xử lý

ke-de.jpg
Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát thường xuyên có mặt tại hiện trường để kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thi công khắc phục sự cố đê Gò Khoăm (đoạn xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ).

Do tác động của các trận mưa lớn kéo dài trong năm 2024, nhiều tuyến đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún đáng lo ngại.

Đơn cử, trên tuyến hữu Đà đoạn qua xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) đã xảy ra sự cố sạt lở với chiều dài khoảng 230m khu vực mái đê hạ lưu. Trên tuyến hữu Hồng, đoạn qua xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) cũng ghi nhận sự cố sạt lở 220m mái đê phía hạ lưu. Trong khi đó, tuyến đê hữu Đáy qua địa phận các xã: Sài Sơn, Đồng Quang, Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) ghi nhận 3 điểm sụt lún. Tại phường Đồng Mai (quận Hà Đông), sạt lở bờ sông Đáy khiến nhiều hộ dân bị mất đất canh tác và đất ở, gây hư hại công trình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt.

Theo đánh giá của các hạt quản lý đê, những sự cố trên không chỉ đe dọa trực tiếp an toàn tuyến đê, mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và hệ thống giao thông khu vực. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế ngày 22-5 của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tại các điểm xảy ra sự cố như đê hữu Đà, hữu Hồng (đoạn qua huyện Ba Vì), đê hữu Đáy (huyện Quốc Oai) và bờ sông Đáy (quận Hà Đông), vẫn chưa có công trình khắc phục nào được triển khai ngoài thực địa.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, từ nay đến tháng 7-2025, trên Biển Đông có thể xuất hiện 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có ít nhất 1 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội. Cùng thời gian này, thành phố có thể hứng chịu 2-4 đợt mưa vừa đến mưa to diện rộng kèm hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo trong mùa mưa lũ năm nay, các sông: Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ có thể xuất hiện 3-5 đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt mức báo động II, thậm chí báo động III, xuất hiện tập trung vào cuối tháng 7, tháng 8 và đầu tháng 9. Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trong mùa mưa bão 2024, trên địa bàn thành phố phát sinh tới 76 sự cố đê điều. Cụ thể, có 35 sự cố liên quan đến thân đê, 11 sự cố về kè, 4 sự cố về cống và 22 sự cố về bờ, bãi sông.

Trước thực trạng đó, người dân và chính quyền các địa phương nơi có sự cố đê điều mong muốn các cấp, các ngành liên quan sớm vào cuộc quyết liệt hơn, khẩn trương khắc phục hư hỏng, bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng ứng phó với lũ lớn.

Cấp thiết bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thông tin, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 12 quyết định công bố tình huống khẩn cấp và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố. Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường và các quận, huyện: Hà Đông, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ… làm chủ đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai. Thời hạn hoàn thành được yêu cầu trước ngày 30-6-2025. Tính đến ngày 24-5, có 8 dự án đã được triển khai ngoài thực địa với khối lượng thi công đạt từ 30% đến 80%.

Thực tế tại công trình xử lý sạt lở đê Gò Khoăm (xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ), khối lượng thi công đã đạt trên 80%. “Dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, nguyên vật liệu thi công nhưng công ty cam kết hoàn thành dự án trước ngày 15-6, đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa lũ”, ông Vương Xuân Huynh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nga cho biết.

Tại công trình khắc phục sự cố đê hữu Bùi - đoạn qua xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ), tiến độ cũng đạt hơn 80%, dự kiến hoàn thành vào ngày 15-6. Đại diện các chủ đầu tư tại những điểm còn lại thuộc địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Ba Vì, Quốc Oai đã cam kết khởi công vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Để bảo đảm an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và thời gian hoàn thành các công trình khắc phục sự cố. Các quận, huyện, thị xã phối hợp với các hạt quản lý đê tổng kiểm tra, xây dựng và triển khai phương án hộ đê theo từng tuyến, từng khu vực trọng điểm, bám sát phương châm “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai; tổ chức diễn tập, tập huấn nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng làm nhiệm vụ hộ đê…

Trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật, việc bảo đảm an toàn các công trình chống lũ cần được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Trọng tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện các công trình khắc phục sự cố đê điều, đồng thời rà soát, củng cố phương án ứng phó thiên tai theo hướng chủ động, thực chất và hiệu quả hơn.

https://hanoimoi.vn/ha-noi-bao-dam-an-toan-de-dieu-trong-mua-mua-lu-day-nhanh-tien-do-thi-cong-khac-phuc-su-co-703477.html

Kim Nhuệ / HNM.com.vn