Góp tiền bơm nước chống ngập liệu có công bằng?

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) là con đường bị ngập tệ hại bậc nhất của thành phố này. Từ khi làm xong con đường này đến nay, không biết đã có bao nhiêu lần sửa chữa đường và cầu, nhưng không cứu được nạn ngập lụt ở đây. Đường Nguyễn Hữu Cảnh chạy ven sông Sài Gòn nhưng nước không thoát được ra sông, đó là điều “kỳ diệu” mà các nhà thiết kế và xây dựng đã làm được! Con đường này là điển hình của điều mà báo chí từng ví von, “tất cả đều thoát, trừ nước”.

TP.HCM dự kiến thuê \'siêu máy bơm\' chống ngập giá 12 tỷ đồng/năm
TP.HCM xây đê như Hà Lan?
Máy bơm công suất lớn để giải quyết ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: M.Q

Mới đây, có đơn vị đứng ra thực hiện dự án bơm nước chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, không thoát được bằng cống thì dùng máy bơm, chẳng lẽ cứ để “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” như Trịnh Công Sơn tiên tri.

Nhưng thuê bơm thì phải trả tiền, chủ đầu tư đề xuất mức cho thuê 12 tỉ đồng/năm. Tính ra, để tình trạng ngập như hiện nay, thiệt hại cho người dân, cho xã hội gấp nhiều lần số tiền thuê máy bơm như dự tính. UBND TPHCM có thêm ý tưởng xã hội hóa chống ngập, vận động chủ đầu tư các dự án bất động sản tại đường Nguyễn Hữu Cảnh đóng góp chi phí cùng thành phố triển khai dự án. Bởi vì, thành phố cho rằng các doanh nghiệp này được hưởng lợi trực tiếp từ công trình chống ngập bằng hệ thống bơm công suất cao. Nghe qua rất bùi tai, nhưng nghĩ lại thấy có mấy việc cần trao qua đổi lại cho sòng phẳng.

Các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh và đóng thuế cho Nhà nước, người dân mua căn hộ, biệt thự cũng đóng thuế không sót một đồng. Nhà nước thu thuế, sử dụng tiền thuế đó làm nhiều việc, trong đó có việc xây dựng hạ tầng giao thông. Làm đường chất lượng kém, nước không thoát, dân chưa bắt đền là may. Nay phải đi thuê máy bơm, lại yêu cầu doanh nghiệp góp tiền trả.

Hàng ngàn tỉ đồng chống ngập đi đâu? Nếu đi vay thì nay mai dân cũng còng lưng trả nợ.

Xin đặt ra thêm câu hỏi, số tiền 12 tỉ đồng này chia như thế nào trên đầu các doanh nghiệp, ai nhiều ai ít là một chuyện không dễ thỏa thuận. Còn các doanh nghiệp khác thì sao, họ không kinh doanh bất động sản nhưng họ kinh doanh các xăng dầu, vàng bạc, nhà hàng, vậy thì họ cũng hưởng lợi từ cái máy bơm nước “thần thánh” như các doanh nghiệp bất động sản. Không thu là không công bằng.

Rồi đây, còn nhiều con đường khác cũng sẽ cần đến máy bơm khi mà hệ thống thoát nước bất lực. Lúc đó có vận động doanh nghiệp hưởng lợi từ những chiếc máy bơm đó không? Nếu có thì chính quyền xây dựng quy chế như thế nào để thu tiền xã hội hóa chống ngập?

Nếu để xảy ra tình trạng có nơi thu tiền doanh nghiệp trả tiền bơm nước, nơi lại không, đó là sự bất công.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/gop-tien-bom-nuoc-chong-ngap-lieu-co-cong-bang-567401.ldo

/ Lê Thanh Phong/Báo Lao động