'Một việc làm phản giáo dục, đừng vì hư danh mà để lại hậu quả lớn' là ý kiến của những người đang làm trong ngành giáo dục và phụ huynh học sinh trước việc một trường học ở Hà Nội 'gợi ý' học sinh yếu kém chuyển trường.
Ông Trần Ái Việt, Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM) nói rằng việc học trường công là quyền lợi của tất cả học sinh. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo cho học sinh nên người từ tri thức cho đến đạo đức. Do vậy, học sinh càng yếu thì nhà trường, giáo viên càng phải có trách nhiệm dìu dắt, khơi dậy để trẻ tự tin. Do vậy việc đẩy học sinh yếu kém ra khỏi môi trường công lập, để gia đình và học sinh "tự bơi" là vô trách nhiệm. Nếu học sinh nào cũng tốt hết thì cần gì giáo viên giỏi, nhiệt tâm cũng như chẳng cần đòi hỏi tâm và tầm của lãnh đạo nhà trường. Các trường hãy đừng vì hư danh mà để lại hậu quả xấu, xã hội mất niềm tin về ngành giáo dục.
Giáo viên lớp 9 tại Q.Tân Phú (TP.HCM), bà H.L.Y.N thẳng thắn nhận xét việc đẩy học sinh như vậy xuất phát từ bệnh thành tích trong giáo dục. Khi gặp học sinh yếu kém, không đồng đều về chất lượng với số đông học sinh còn lại thì nhà trường, giáo viên phối hợp với phụ huynh học sinh có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo. Chứ không nên mới vào đầu năm học đã có việc làm đề nghị theo kiểu ép buộc như vậy. Đây là việc làm phản giáo dục. Vì nếu năng lực của học trò không thể học tiếp văn hóa thì còn nhiều hướng đi phù hợp như trường nghề, năng khiếu nên nhà trường phải làm hết trách nhiệm. Có như vậy, phụ huynh, học sinh mới “tâm phục khẩu phục” và nhà trường cũng sẽ không phải “xấu hổ” với việc làm của mình.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con em học tại Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cứ sau 1 năm học tập, nếu không được lên lớp thì học sinh đều phải "tự nguyện" làm đơn xin chuyển trường.
Còn một hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng cho hay đây là việc làm phi giáo dục, xuất phát từ cách quản lý ấu trĩ theo kiểu bệnh thành tích với việc giao chỉ tiêu, đăng ký thi đua… Trường học phải là nơi giáo dục được mọi đối tượng học sinh, phải xây dựng được kế hoạch giảng dạy phù hợp với năng lực của người học. Đồng thời, nhà trường hay các cấp quản lý không nên lấy điểm số, tỷ lệ học sinh hoàn thành bậc học, tuyển sinh đầu cấp để đánh giá năng lực, bình xét thi đua. Hãy nên hướng đến mục tiêu học sinh học được gì, có hạnh phúc với việc học hay không chứ đừng nên nghĩ đến danh hiệu để biến trường học thành môi trường phản giáo dục.
Ông Nguyễn Trường Sơn, một phụ huynh học sinh tại Q.3, TP.HCM, nói rằng học sinh yếu kém có lỗi một phần từ giáo viên. Nếu giáo viên có phương pháp giáo dục tốt chắc chắn sẽ giúp học sinh học tốt hơn. Không thể đổ hết trách nhiệm rồi cố tình đẩy người học đi như vậy.
http://thanhnien.vn/giao-duc/goi-y-hoc-sinh-hoc-luc-chua-tot-chuyen-truong-viec-lam-phan-giao-duc-883225.html
“Nghiêm túc mà nói, chẳng ai nhìn xuống bẹn mình mà cười cả”
Lời nhắc nhở “bá đạo” nhưng không kém hài hước, dí dỏm, này của thầy giáo trẻ ở Đà Nẵng khi thấy các sinh viên ... |
Kỷ luật làm nên đứa trẻ ngoan
Chẳng có nhà trường, thầy, cô nào muốn khắt khe, kỷ luật học sinh nhưng để quản lý, giáo dục được trẻ vẫn cần phải ... |
Khi hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán
Gánh nặng hồ sơ sổ sách, hội thi “bội thực”, phong trào áp lực, lạm thu tiền trường, nạn hoa hồng trong trường học… đều ... |