Góc tối chiến dịch Cyclone của CIA

Ngày 24-12-1979, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan để hậu thuẫn cho Chính phủ Cộng hòa dân chủ Afghanistan chống lại lực lượng Mujahideen (chiến binh thánh chiến Hồi giáo). Đến ngày 15-2-1989, quân đội Liên Xô rút lui trong bối cảnh một số tay súng do Mohammed Omar lãnh đạo tách khỏi Mujahideen để 5 năm sau đó, trở thành Taliban. Việc lột xác ấy sẽ khó xảy ra nếu Mujahideen không được sự yểm trợ của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) thông qua Gustav Avrakotos trong “Chiến dịch Cyclone…

Từ bỏ danh vọng để gia nhập CIA

Sinh ngày 14-1-1938 tại Aliquippa, bang Pennsylvania, Mỹ, Gust Avrakotos - người Mỹ gốc Hy Lạp - nổi tiếng học giỏi ngay từ thời niên thiếu. Đứng nhất trường tiểu học trong lễ tốt nghiệp rồi sau đó là thủ khoa trung học Aliquippa. Tiếp theo, ông này vào Học viện công nghệ Carnegie và vừa học, Avrakotos vừa đi làm cho nhà máy thép Jones & Laughlin để lấy tiền trang trải.

Nhưng mới học hết năm thứ 2, do khó khăn tài chính nên Avrakotos bỏ ngang để phụ việc trong một quán bar. Năm 1959, khi đã dành dụm đủ tiền, Avrakotos vào Đại học Pittsburgh rồi tốt nghiệp loại xuất sắc.

Được hãng chế tạo máy tính IBM tuyển dụng với mức lương cao nhưng Richard Cottam, Giáo sư dạy Avrakotos tại Pittsburgh, người đã từng làm việc cho CIA khuyên ông ta nên gia nhập cơ quan này. Trong cuốn hồi ký: “Câu chuyện phi thường về chiến dịch phá hoại lớn nhất lịch sử” do nhà báo George Crile chắp bút, Avrakotos cho biết mặc dù tiền lương CIA trả cho mình chỉ bằng 1/3 so với IBM nhưng tháng 8-1962, ông quyết định trở thành nhân viên tình báo.

Góc tối chiến dịch Cyclone của CIA -0

Hạ nghị sĩ Charlie Wilson trong một lần đến thăm Mujahideen (ảnh nhỏ Avrakotos).

Sau hơn 1 năm đào tạo về nghiệp vụ, do đọc thông viết thạo tiếng Hy Lạp nên CIA bố trí cho Avrakotos đến Athens. Năm 1967, một nhóm sĩ quan cấp tá trong quân đội Hy Lạp tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân chủ hợp hiến để thành lập một chế độ gọi là “Junta - tiếng Hy Lạp nghĩa là “Chế độ của các Đại tá”. Thời điểm ấy, Avrakotos là người liên lạc giữa “các Đại tá” và CIA.

Năm 1974, “Chế độ của các Đại tá” sụp đổ. Trở về Mỹ năm 1978, Avrakotos ngồi chơi xơi nước ở bộ phận Mỹ Latin vì cấp trên của Avrakotos cho rằng ông ta quá thô lỗ. Mặc dù sinh ra tại Mỹ nhưng gốc gác nông dân Hy Lạp từ thời bố ông vẫn ảnh hưởng đến ông. Thích cởi trần ngay cả trong phòng làm việc, hay nói tục, chửi thề đã khiến giới thượng lưu trong hàng ngũ CIA không chấp nhận ông.

Trong cuốn hồi ký: “Câu chuyện phi thường về chiến dịch phá hoại lớn nhất lịch sử”, Avrakotos nói ông ta cảm thấy lý tưởng của mình bị phản bội: “Với rất nhiều người khác, họ luôn coi cơ quan nơi họ làm việc là nhà của họ nhưng với tôi thì không bao giờ”.

Cộng tác với Mujahideen

Cuối năm 1982, khi quân đội Liên Xô đã hiện diện ở Afghanistan được 3 năm, Giám đốc CIA là William Casey quyết định cử Avrakotos làm nhiệm vụ giám sát những hoạt động của CIA ở Afghanistan. Thời điểm ấy, Mujahideen đã nổi lên như một lực lượng nòng cốt tại Afghanistan, chống lại quân đội Liên Xô với sự hỗ trợ của một số quốc gia khác cùng các tổ chức Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới.

Không thể đứng ngoài cuộc mặc dù ngay sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, CIA đã gián tiếp viện trợ cho Mujahideen thông qua Cơ quan tình báo liên ngành Pakistan nên năm 1983, Avrakotos trở thành Quyền trưởng nhóm hoạt động Nam Á, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm CIA ở Afghanistan với nhiệm vụ cung cấp vũ khí, tài chính cho Mujahideen.

Bên cạnh đó, Avrakotos còn cùng hạ nghị sĩ Charlie Wilson, đại diện cho bang Texas trong Quốc hội Mỹ, xây dựng một liên minh quốc tế gồm những người ủng hộ Mujahideen để tài trợ và đào tạo các chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức này.

Nhằm che giấu sự can thiệp của CIA, tháng 6-1983, lô vũ khí đầu tiên Avrakotos giao cho Mujahideen là 100.000 khẩu súng trường Lee-Enfield sử dụng từ hồi Thế chiến I và 303 triệu viên đạn. Tiếp theo, Avrakotos sang Ai Cập mua xe đạp và xe cút kít để Mujahideen dùng những thứ này chế tạo bom ống, bom xe.

Nói chuyện với các thành viên Lực lượng đặc biệt Mỹ, những người chịu trách nhiệm hướng dẫn các chiến binh thánh chiến Mujahideen kỹ thuật chống lại người Nga, Avrakotos khuyên họ “áp dụng các phương pháp chiến tranh bất quy tắc, dạy cho Mujahideen giết người bằng bom tự tạo nhưng đừng bao giờ thể hiện nó bằng văn bản. Hãy nói để Mujahideen nghe theo rồi làm”.

Góc tối chiến dịch Cyclone của CIA -0

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiếp chỉ huy Mujahideen tại Nhà Trắng.

Chiến dịch Cyclone

Giữa năm 1983, Quốc hội Mỹ thông qua việc tài trợ 15 triệu USD cho các hoạt động của CIA ở Afghanistan. Cũng trong năm đó, Avrakotos bố trí để một nhóm các nhà lãnh đạo Mujahideen đến Mỹ rồi được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đón tiếp tại Nhà Trắng. Không lâu sau cuộc gặp ấy, hạ nghị sĩ Charlie Wilson thuyết phục Ủy ban quản lý tài sản ở Hạ viện Mỹ cấp thêm cho CIA 40 triệu USD, trong đó 15 triệu dành riêng cho việc phát triển lực lượng.

Đầu năm 1984, Avrakotos tự ý gặp riêng hạ nghĩ sĩ Charlie Wilson, đề nghị xin thêm 50 triệu USD nữa với lý do không thể đánh lại quân đội Liên Xô bằng những vũ khí đã lỗi thời, rồi được Wilson cam kết “tiền đã có sẵn”.  Vì những việc này, Avrakotos được các đồng nghiệp ở CIA đặt cho cái biệt danh là “Tiến sĩ bẩn”, nghĩa là chuyên làm những việc mờ ám.

Tháng 3-1984, trước thực tế Mujahideen không giành được chiến thắng nào nổi bật, Avrakotos đề nghị Michael G. Vickers, làm việc trong nhóm bán quân sự của CIA tham gia Chiến dịch Cyclone với mục đích thay đổi chiến lược. 

Dựa trên yêu cầu này, Vickers cung cấp cho Mujahideen súng tiểu liên AK-47, súng phòng không hạng nặng 14,5mm, súng chống tăng B-40, B-41, mìn, lựu đạn cùng nhiều trang bị hậu cần, tất cả đều là hàng Nga, mua từ Israel, Ai Cập rồi chuyển sang Pakistan để quốc gia này giao cho Mujahideen nhằm giữ bí mật về sự nhúng tay của người Mỹ. Kinh phí cho chiến dịch Cyclone năm 1985 là 250 triệu USD.

Khả năng điều phối chiến tranh Afghanistan còn được Avrakotos thể hiện bằng việc thuyết phục các quan chức nước ngoài, từ Phương Tây tới Trung Đông, tăng cường tài trợ tiền, vũ khí cho Mujahideen, trong đó Arab Saudi cam kết chia đôi tất cả các khoản chi tiêu của CIA chống lại Mujahideen theo nguyên tắc đối ứng. 

Sau năm 1985, từ chỗ hoạt động bí mật, chính quyền của tổng thống Mỹ Reagan công khai thông báo họ sẽ hỗ trợ các phong trào kháng chiến chống Liên Xô trên toàn thế giới (Học thuyết Reagan) nên không cần phải che giấu nguồn gốc vũ khí. Vì thế, những người đứng đầu Chiến dịch Cyclone đã xây dựng trên lãnh thổ Afghanistan những cơ sở hạ tầng phức hợp để hàng năm, huấn luyện cho 16.000 đến 18.000 tay súng Mujahideen, cũng như tiếp nhận các tình nguyện viên từ các quốc gia thuộc khối Arab tham gia thánh chiến.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp vũ khí cho Mujahideen cũng được Avrakotos tiến hành ồ ạt với tên lửa Blowpipe, tên lửa Stinger, đại bác không giật 75mm, súng cối 82mm, đại liên 12,7mm cùng các loại súng cá nhân M14, M16, mìn, lựu đạn, thiết bị truyền tin… Cũng thời gian này, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA thường xuyên đến khu vực biên giới Afghanistan, Pakistan, trong đó có cả Hạ nghị sĩ Charlie Wilson, giám đốc CIA William Casey.

Nhờ những nguồn tài trợ ấy mà năm 1992, Mujahideen lật đổ Chính phủ Kabul do Tổng thống Mohammad Najibullah lãnh đạo. Tuy nhiên sau đó lực lượng này không thể thành lập chính phủ thống nhất do sự bất đồng giữa các phe nhóm trong nội bộ mà đáng kể nhất là nhóm chiến binh thánh chiến dưới quyền chỉ huy của Mohammad Omar, người mà 2 năm sau đó đã cho ra đời phong trào Taliban, rồi đến năm 1996, kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan.

Góc tối chiến dịch Cyclone của CIA -0

Chiến binh Mujahideen với tên lửa Stinger do CIA cung cấp.

Gậy ông có đập lưng ông?

Ngay sau khi Mujahideen lật đổ chính phủ Kabul, CIA được lệnh thu hồi một số vũ khí mà cơ quan này đã trang bị cho họ, trong đó quan trọng nhất là tên lửa vác vai Stinger. Ít nhất đã có gần 3.000 quả tên lửa loại này đã được trang bị cho Mujahideen nhưng số thu hồi rất ít vì các nhà lãnh đạo Mujahideen giải thích rằng “đã sử dụng”.

Theo các nguồn tin tình báo, tổng chi phí mà CIA đã cấp cho Mujahideen trong suốt 10 năm nhằm chống lại quân đội Liên Xô là hơn 3,6 tỉ USD. Khi Mohammad Omar tách ra khỏi Mujahideen để thành lập Taliban năm 1994, ước tính lực lượng này có khoảng 180 tên lửa Stinger và gần 3.000 khẩu súng các loại. Con số vũ khí càng tăng lên khi tháng 9-1996, Taliban tiến vào Kabul, kiểm soát hoàn toàn Afghanistan.

Ngày 7-10-2001, chưa đầy 1 tháng sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào Tòa tháp đôi, Trung tâm thương mại thế giới ở New York, Mỹ đưa quân vào Afghanistan với sự hỗ trợ của một số quốc gia NATO. Mục tiêu của người Mỹ là loại bỏ tổ chức khủng bố al-Qaeda và Taliban vì Taliban đã cho al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ.

Cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm cho đến khi một thỏa thuận rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan được Chính quyền của Tổng thống Trumph và Taliban ký kết, mở đường cho việc Taliban kiểm soát toàn bộ đất nước này hồi tháng 8-2021.

Theo một số chuyên gia phân tích chính trị, vài năm đầu tiên kể từ khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, một trong những lý do giúp Taliban đứng vững là nhờ vào số vũ khí mà CIA đã trao cho Mujahideen, nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan, mọi viện trợ của CIA cho lực lượng này cũng chấm dứt.

Và với lượng khí tài quân sự thu được từ quân đội Chính phủ Kabul do Tổng thống Mohammad Najibullah lãnh đạo cũng như sự tiếp sức của các tổ chức Hồi giáo cực đoan trên thế giới, đủ để Taliban duy trì cuộc chiến cho đến ngày kiểm soát toàn bộ Afghanistan lần thứ hai.

Về phía “Tiến sĩ bẩn” Avrakotos, năm 1986, ông này bị buộc phải chuyển sang bộ phận châu Phi của CIA sau khi soạn thảo một văn bản, phản đối việc CIA can dự vào vụ Iran-Contra. Năm 1989, ông ra khỏi CIA để làm việc cho nhà thầu quốc phòng TRW Inc ở Rome, Italy rồi sau đó làm cho News Corporation, chuyên về tình báo kinh doanh.

Đến năm 1997, Avrakotos quay lại CIA với tư cách nhà thầu quân sự. Cho tới lúc ấy, vẫn rất ít người biết về những hoạt động của ông ta, kể cả nhiều đồng nghiệp ở CIA. Chỉ khi nhà báo George Crile cho ra mắt cuốn sách “Câu chuyện phi thường về chiến dịch phá hoại lớn nhất trong lịch sử” thì người ta mới biết vai trò của Avrakotos và CIA trong cuộc chiến Liên Xô-Mujahideen.

Avrakotos chết vì đột quỵ ngày 1-12-2005 tại Bệnh viện Inova Fairfax, bang North Virginia, Mỹ. 10 năm sau, một dự luật mới được CIA trình lên Quốc hội Mỹ, đề nghị truy tặng Huân chương Vàng cho gã nhân viên đặc biệt này.

Vũ Cao (Theo Defense)

CIA và các gián điệp nhị trùng trong Chiến tranh Lạnh CIA và các gián điệp nhị trùng trong Chiến tranh Lạnh
Mỹ phá hủy căn cứ Đại bàng của CIA tại Afghanistan Mỹ phá hủy căn cứ Đại bàng của CIA tại Afghanistan
CIA tăng cường chuyên gia để đối phó Trung Quốc CIA tăng cường chuyên gia để đối phó Trung Quốc
/ antg.cand.com.vn