Gỡ vướng cho giải ngân đầu tư công

Đến hết quý I­-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố Hà Nội chỉ đạt 8% kế hoạch, chưa đạt yêu cầu để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022. Thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang được các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện.

 

T1---Dinh-DauTuCong
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Trong ảnh: Công trường thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Quang

Giải ngân đạt thấp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, năm 2022, tổng vốn đầu tư công của thành phố là 51.072 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố là 34.376 tỷ đồng; cấp huyện là 16.696 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2021 sang năm 2022 với 364 dự án sử dụng ngân sách cấp thành phố và ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện với tổng kinh phí hơn 2.344,9 tỷ đồng. Mục tiêu của thành phố là đến hết ngày 31-12-2022 giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong quý I-2022, nhiều địa phương đạt kết quả quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp vào kết quả chung của thành phố như: Quận Đống Đa có tỷ lệ giải ngân đạt 72,1% kế hoạch năm; các quận, huyện: Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức có tỷ lệ giải ngân đạt cao từ 22% đến 40% kế hoạch năm.

Tuy nhiên kết quả trong quý I cho thấy còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục để tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm. Hết quý I, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố mới đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn thấp so với cả nước là 9%. Có 20/30 quận, huyện đang có tỷ lệ giải ngân dưới 10%; 3 quận, thị xã giải ngân dưới 1%. Riêng về giải ngân vốn ngân sách thành phố hỗ trợ, có 9 quận, huyện chưa thực hiện giải ngân.

Nhìn nhận nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt thấp, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, đầu năm 2022, nhiều công trình, dự án phải tạm dừng thi công khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biến động giá cả đầu vào... khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án.

Còn theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, một số dự án đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2021 đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, UBND thành phố cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan như một số chủ đầu tư và một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chưa làm đúng theo cam kết của đơn vị với thành phố…

 
Du-an-mo-rong-duong-Au-Co--
Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Quang

Đồng bộ các giải pháp

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai theo kế hoạch vốn giao, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Với việc xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là cơ sở, thước đo đánh giá để mỗi đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu, UBND thành phố sẽ xem xét, điều chuyển vốn đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.

Với động lực là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nhóm cao nhất thành phố năm 2021, quận Đống Đa tập trung đẩy mạnh, chỉ đạo quyết liệt công tác này ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2022. Cụ thể, trong quý I, quận đã hoàn thiện hồ sơ thanh toán 55 dự án chuẩn bị đầu tư; 9 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 và 11 dự án khởi công năm 2022, nhờ đó trở thành quận có tỷ lệ giải ngân cao nhất thành phố. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa Trương Thế Khôi cho biết, giải pháp quan trọng nhất là giải ngân ngay theo từng gói thầu, yêu cầu các nhà thầu làm đến đâu thanh toán dứt điểm đến đó.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung vào các công trình, dự án chuyển tiếp. Quận cũng phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp thành phố trên địa bàn, cùng với đó là tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công những công trình mới…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố trong tháo gỡ vướng mắc các thủ tục hành chính trong giải ngân, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, đơn vị tăng cường kiểm tra công vụ, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân; gắn tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với đánh giá về vai trò người đứng đầu, các cá nhân có liên quan...

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài; hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, việc thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của Thủ đô.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1030762/go-vuong-cho-giai-ngan-dau-tu-cong

MAI HỮU / hanoimoi.com.vn