Gỡ “điểm nghẽn” để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế

Để đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng đô thị hiện đại, thân thiện môi trường, thông minh, đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đồng thời tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc là các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đồng loạt triển khai các nội dung quy hoạch như quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

thaogo 1.png -0
Tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm.

Hiện các đồ án quy hoạch hoàn thiện đang trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tính toán quy hoạch lại hệ thống từng đô thị và toàn đô thị nói chung gồm việc quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo đúng định hướng và mục tiêu về quy hoạch đô thị chung theo tinh thần Nghị quyết số 54.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đầu tư hệ thống đường ven biển, nâng cấp cảng Chân Mây và tiếp tục phát huy cảng Thuận An với mục tiêu trở thành cảng trong thành phố. Tỉnh quy hoạch và phát huy khai thác mạng lưới giao thông đường thủy bao quanh khu vực sông Ngự Hà, sông Hương kết nối khu vực Thuận An, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn; nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; triển khai đầu tư một số cầu kết nối qua phá, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị và chỉnh trang các tuyến đường chính trong đô thị.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông (ĐTXDCTGT) tỉnh Thừa Thiên Huế, quá trình triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc. Trong đó phải kể đến là vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm như dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế… Những vướng mắc này là “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An được khởi công ngày 26/3/2022 có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án ĐTXDCTGT tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Trong đó tuyến đường dài 7.785m, cầu qua cửa biển Thuận An dài khoảng 2,36km, thời gian thi công hoàn thành giai đoạn 1 là 3 năm tính từ ngày khởi công. Dự án tạo điều kiện hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của địa phương, kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, cứu nạn, cứu hộ.

Đến tháng 10/2023, tại dự án này, các nhà thầu đã hoàn thành khoan cọc nhồi trụ từ trụ T6-T50 và đang tiếp tục thi công hoàn thành cọc khoan nhồi, thân trụ còn lại, đúc thêm phiến dầm, bê tông mặt cầu, lan can. Để thực hiện giai đoạn 1 dự án, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 317.187m2, trong đó tại xã Hải Dương, TP Huế thu hồi hơn 196.186m2, ảnh hưởng đến khoảng 600 lăng mộ, đất trồng lúa và đất nuôi trồng thủy sản của 180 hộ dân. Tại phường Thuận An, TP Huế thu hồi khoảng 121.000m2; ảnh hưởng 4,1ha đất rừng phòng hộ, 300 mộ xây và nhà cửa, vật kiến trúc của khoảng 120 hộ dân. “Hiện phương án di dời mồ mả ở khu vực xã Hải Dương đã được phê duyệt, tuy nhiên người dân vẫn chưa thực hiện nên nhà thầu chưa thể thi công phần cầu từ đuôi mố M1 đến trụ T5. Do đó Ban đã kiến nghị UBND TP Huế chỉ đạo các phòng ban liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù và xây dựng khu tái định cư ở phường Thuận An để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời yêu cầu bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công các hạng mục còn lại trước tháng 12/2023”, đại diện Ban Quản lý dự án ĐTXDCTGT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.

Trong khi đó, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương khởi công ngày 23/12/2022, tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng cũng đang vướng giải phóng mặt bằng tại 2 phường Kim Long và Phường Đúc, TP Huế. Đến nay các ban, ngành, địa phương đã và đang rà soát để thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện di dời.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan còn do sự biến động của giá nguyên vật liệu xây dựng, năng lực hạn chế của một số nhà thầu và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong các tháng mùa mưa bão gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai của các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thành lập các tổ công tác thường xuyên đôn đốc, xử lý các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân. Huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư kết cấu hạ tầng, kêu gọi và thu hút đầu tư các nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng các công trình sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

https://cand.com.vn/Xa-hoi/go-diem-nghen-de-phat-trien-ha-tang-giao-thong-ha-tang-do-thi-thua-thien-hue-i710477/

Anh Khoa / cand.com.vn