Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev nhưng cũng khẳng định Moscow sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Bỏ ngỏ đàm phán nhưng quyết không từ bỏ mục tiêu
Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại cuộc gặp giới lãnh đạo quốc phòng Nga tại Moscow ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết phía Nga sẽ đàm phán dựa trên lợi ích quốc gia.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow sẽ không từ bỏ những gì thuộc về nước Nga nhưng Moscow không có ý định chiến đấu với châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin khẳng định: “Nga sẽ không từ bỏ mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt” nhưng cho rằng Nga cần cải thiện năng lực liên lạc quân sự, trinh sát, vệ tinh…
Theo hãng tin Reuters, sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga hiện kiểm soát 17,5% lãnh thổ mà quốc tế công nhận thuộc về Ukraine sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Vào năm 2014, bán đảo Crimea sáp nhập về Nga sau cuộc trưng cầu dân ý. Năm ngoái, bốn khu vực tại Ukraine cũng tuyên bố sáp nhập về Nga sau cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Nga cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia này đang ứng phó nhanh hơn so với phương Tây đồng thời khẳng định Nga sẽ tiếp tục cải tiến các lực lượng hạt nhân và duy trì năng lực sẵn sàng tác chiến ở mức cao.
Cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/12 có sự tham dự của các quan chức quân sự hàng đầu của Nga bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang liên bang Nga - Tướng Valery Gerasimov và Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga Alexander Bortnikov.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, từ tháng 2/2022, công suất sản xuất xe tăng của quốc gia này đã tăng 5,6 lần, công suất sản xuất máy bay không người lái tăng gấp 16,8 lần và công suất sản xuất đạn pháo tăng 17,5 lần.
Ông Shoigu cũng cho biết trong năm 2023, quân đội Nga đã huy động được 490.000 binh sĩ tự nguyện và hợp đồng, đồng thời đặt mục tiêu tăng số lượng binh sĩ hợp đồng lên 745.000 người vào năm tới.
Binh sĩ Ukraine thừa nhận cạn đạn pháo, phải đổi chiến thuật
Về phần mình, Kiev tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu cho tới khi binh sĩ Nga cuối cùng rút khỏi Ukraine.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thực địa, quân nhân Ukraine thừa nhận tình trạng đạn pháo cạn kiệt đang khiến Kiev phải hủy bỏ các cuộc tấn công và chuyển sang thế phòng thủ, đe dọa tới mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ của Kiev.
Theo một chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, vì cạn viện trợ nên quân đội nước này phải bắt đầu cắt giảm các hoạt động tấn công và chuyển sang phòng thủ trước Nga.
Cụ thể, chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng quân đội Ukraine không có đủ đạn dược - đặc biệt là đạn pháo hiện đại - để cung cấp năng lượng cho cỗ máy chiến đấu khi chiến sự đã bước sang năm thứ 2.
Tại Mỹ, xung đột trong quan điểm về ngân sách giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ đã khiến việc duyệt chi khoản viện trợ mới cho Ukraine đình trệ suốt vài tháng qua.
Dự kiến cuối tháng này, ngân sách được phân bổ trước đó để viện trợ Ukraine sẽ cạn nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai chính đảng sẽ thống nhất để thông qua thêm nguồn tiền cho Ukraine.
Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelensky trong tuần trước không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Các cuộc tiếp xúc của ông với chính giới Mỹ là chưa đủ để thay đổi cục diện bế tắc hiện tại.