Giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng thực phẩm sắp hết đát (expiry date - hạn dùng) bởi chúng rẻ hơn nhiều so với giá thị trường và không gây hại cho sức khỏe.
Các loại thực phẩm sắp hết hạn vẫn còn sử dụng được trong thời gian ngắn và thường được bán với giá rất rẻ, do đó, chúng rất được ưa chuộng bởi những người trẻ tuổi muốn tiết kiệm.
Theo dữ liệu của iiMedia Research Consulting, quy mô thị trường của ngành công nghiệp thực phẩm sắp hết hạn sẽ tăng từ 5 tỷ USD vào năm 2021 lên tới 6,3 tỷ USD vào năm 2025 - tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ ổn định ở mức 6% trong 3 năm tới.
Xu hướng này có thể là giải pháp giúp Trung Quốc gỡ rối vấn đề lãng phí thực phẩm.
Thực phẩm sắp hết hạn được bán với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. (Ảnh: EPA) |
Giá rẻ - dễ dàng tìm mua
Tại Trung Quốc, giá lương thực nhập khẩu tương đối cao đối với nhiều người. Để tiết kiệm, họ sẽ đợi đến khi chúng sắp hết hạn để mua với mức giá được chiết khấu.
“Đồ ăn nhập khẩu quá đắt, vì vậy mọi người thường mua chúng vào gần ngày hết hạn sử dụng để có giá rẻ hơn”, một người tiêu dùng trên mạng xã hội Weibo cho biết.
Khách hàng mua thực phẩm sắp hết hạn thường là những người có thu nhập trung bình. Theo iiMedia, các mặt hàng bán chạy nhất là đồ ăn vặt, bánh mì, bánh ngọt và các sản phẩm từ sữa.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngày càng nhiều doanh nghiệp cung cấp loại thực phẩm này. Năm 2020, chỉ có 12 công ty tại Trung Quốc đăng ký kinh doanh thực phẩm sắp hết hạn. Đến năm 2021, con số này đã tăng hơn 5 lần - lên tới 68 công ty.
Nhiều cửa hàng còn chuyên bán thực phẩm sắp hết hạn, như HotMaxx, HitGoo và Hema Fresh,... Ngay cả ở những thành phố lớn như Bắc Kinh cũng có loại cửa hàng này. Nhìn chung, giá các sản phẩm của họ thấp hơn đáng kể so với giá thị trường.
Khách hàng cũng có thể dễ dàng mua được thực phẩm sắp hết hạn tại các kênh mua sắm trực tuyến. Trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, có rất nhiều loại thức ăn đóng gói như khoai tây chiên giòn, mì gói, bánh kẹo và sô cô la gần hết hạn sử dụng với giá chưa bằng một nửa giá bán lẻ thông thường.
Khách hàng mua thực phẩm sắp hết hạn thường là những người có thu nhập trung bình. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Giải pháp cho vấn đề lãng phí lương thực
Lãng phí lương thực là một trong những vấn đề được chú trọng ở Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2015 của Học viện Khoa học Trung Quốc, có tới hơn 35 triệu tấn thực phẩm (tương đương với 6% tổng sản lượng lương thực của đất nước) bị thất thoát hoặc lãng phí mỗi năm.
Vào tháng 8/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân không lãng phí thức ăn: “Chúng ta nên duy trì cảnh giác về khủng hoảng an ninh lương thực”.
Theo chủ trương tránh lãng phí, các nhà hàng ở Trung Quốc được lệnh phục vụ các suất ăn nhỏ hơn và cung cấp hộp để khách mang thức ăn thừa về.
Ngoài ra, một luật được thông qua vào tháng 4/2021 đã cấm “các chương trình ăn uống" trên mạng xã hội. Các blogger và nhà sản xuất phát sóng nội dung ăn uống trực tuyến có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt rất lớn.
Để hưởng ứng tinh thần tránh lãng phí thức ăn, thể hiện ý thức hơn về môi trường và xã hội, nhiều blogger về thực phẩm bắt đầu chia sẻ nội dung về thực phẩm sắp hết hạn sử dụng.
Thức ăn gần ngày hết hạn không gây hại cho sức khỏe. (Ảnh: AP) |
Theo đó, một số người dùng trên trang Bilibili đã chia sẻ video kể về những chuyến mua hàng sắp hết hạn tại siêu thị. Họ cho biết có thể mua một xe đầy đồ ăn vặt chỉ với 100 nhân dân tệ (15,7 USD).
Những nội dung tương tự ngày càng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng. Nhóm “Tôi yêu thực phẩm sắp hết hạn sử dụng” trên mạng xã hội Douban đã đạt được 20.000 lượt theo dõi chỉ trong 2 tháng sau khi ra mắt vào tháng 9/2020. Tới nay, nhóm có hơn 90.000 thành viên chia sẻ kinh nghiệm về việc mua thực phẩm sắp hết hạn sử dụng.
Nhiều người Trung Quốc thường đợi đến khi thực phẩm sắp hết hạn để mua với mức giá được chiết khấu. |
Đặc biệt, thức ăn gần ngày hết hạn không hề gây hại cho sức khỏe. Bác sĩ Liu Jiayong tại Bắc Kinh đã khẳng định: “Những mặt hàng vẫn tốt cho sức khỏe của bạn, chúng chưa hết hạn sử dụng, chúng rẻ hơn và thân thiện với môi trường".
Tuy nhiên, báo của iiMedia cho biết 67,8% người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lo ngại về độ đảm bảo của loại thực phẩm này. Trong khi đó, 50% nghi ngờ về tính xác thực của thông tin trên nhãn dán ngoài bao bì.
TRẦN TRANG(Nguồn: SCMP)