Giới trẻ - "mồi ngon" của thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử thu hút giới trẻ bằng hình ảnh bắt mắt, thiết kế nhỏ gọn, quảng cáo và mua bán trên Internet.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, Bộ Y tế,Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, tại lễ phát động chiến dịch Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử, sáng 26/12, cho biết tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng mạnh mẽ. Ở Mỹ, người hút thuốc tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019, trong đó 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên.

Tại Việt Nam, năm 2019, khoảng 2,6% thanh, thiếu niên trong độ tuổi 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử, trước đó chỉ 0,2%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, nhóm người trẻ tuổi có mức sống khá.

Thống kê cho thấy người trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotine - chất gây nghiện có trong thuốc lá.

Thực tế, ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ... Ngoài ra còn sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc lá, đồng thời bán qua các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, người bán che đậy bản chất thực có hại của thuốc lá nhằm đánh lừa người sử dụng.

"Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh", ông Khuê nói.

Đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15,500 các loại hương liệu). Ngoài ra, hiện tượng trộn ma tuý vào thuốc lá điện tự đã xuất hiện.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường. Thậm chí nhiều người sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.

Tính đến tháng 2, có 41 quốc gia cấm buôn bán thuốc lá điện tử, trong đó nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Tháng 5, tới 100 quốc gia đã ban hành luật nội địa quy định đối với thuốc lá điện tử, trong đó có các quy định về độ tuổi tối thiểu được phép mua bán thuốc lá; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, đóng gói bao bì, các quy định về sản phẩm, phân loại thuốc lá điện tử,...

Các chuyên gia nhận định, hiện tại Việt Nam chưa hình thành thị trường thuốc lá điện tử, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. Do đó, rất cần ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Trước tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ ngày càng tăng cao, chiến dịch Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử được phát động nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về tác hại của thuốc lá, xây dựng lối sống lành mạnh cùng môi trường không khói thuốc, cam kết không sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Lê Nga

Hà Nội: Thu giữ hơn 10.000 qua bóng cười cùng hàng nghìn điếu thuốc lá điện tử Hà Nội: Thu giữ hơn 10.000 qua bóng cười cùng hàng nghìn điếu thuốc lá điện tử
V (BTS) gây tranh cãi vì nghi vấn hút thuốc lá điện tử V (BTS) gây tranh cãi vì nghi vấn hút thuốc lá điện tử
Có bao nhiêu học sinh đã liều lĩnh hút thuốc lá điện tử? Có bao nhiêu học sinh đã liều lĩnh hút thuốc lá điện tử?
/ vnexpress.net