Vợ tôi thay vì nghĩ đến các tổ chức từ thiện lại muốn quyên góp tiền cho ca sĩ Thuỷ Tiên để cứu trợ đồng bào miền Trung.
"Em quyên góp ba triệu cho Thuỷ Tiên nhé?", vợ tôi hỏi. "Sao em không quyên tiền cho Mặt trận Tổ quốc hay Hội Chữ thập đỏ mà lại chọn cô ấy?", tôi hỏi lại, "Nhỡ Thuỷ Tiên biển thủ tiền của em thì sao?". "Vì em tin cô ấy", vợ tôi thẳng thừng.
Bạn tôi cũng mới viết trên trang của cô, thông báo hai ngày tới cô có một chuyến xe vào miền Trung mang theo nhu yếu phẩm, ai muốn quyên góp thì liên lạc với bạn. Đó là bạn trẻ nhận được sự tín nhiệm cao của những người xung quanh về tính chính trực và những hành động vì cộng đồng. Cô đã xin nghỉ việc ở công ty hai tuần, bỏ đứa con bốn tuổi lại Hà Nội cho chồng chăm sóc để đi đến vùng lũ lụt, phân phát hàng cứu trợ cho bà con.
Sẽ rất bất ngờ với nhiều người khi biết rằng nghĩa cử đẹp này của bạn tôi hay Thủy Tiên và nhiều người khác đang làm là một hành động vi phạm pháp luật.
Điều 5, Nghị định 64/2008 của Chính phủ quy định: ngoài Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, cơ quan báo chí, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Như vậy, việc bạn tôi nhận quyên góp của người thân, bạn bè để cứu trợ bà con vùng lũ là hành động bị cấm.
"Thế bây giờ phải làm thế nào?", cô hỏi. Tôi đành đọc lại luật và nói với bạn rằng, nếu muốn, bạn có thể thành lập quỹ từ thiện. Điều kiện là phải có ít nhất ba sáng lập viên, có ít nhất 2,5 tỷ đồng và làm hồ sơ xin phép mất ít nhất 40 ngày. Bạn tôi giãy nảy: "Xin phép xong thì đồng bào chết đói rồi".
Không chỉ bạn tôi, một số người nổi tiếng như ca sĩ Thuỷ Tiên, MC Phan Anh hay rất nhiều các hội nhóm thiện nguyện khác đã và đang quyên góp được số tiền, hàng lớn để cứu trợ bão lũ. Nhìn họ làm việc ấy, chúng ta khó mà nghi ngờ bởi nhiều yếu tố, như cảm xúc dễ hiểu của vợ tôi. Nếu không có họ, hàng trăm tỷ đồng cứu trợ có thể sẽ không đến được tận tay đồng bào trong cơn hoạn nạn. Nhưng, một cái giấy phép con đang cản trở những hành động này.
Bạn tôi vẫn quyết định nhận tiền, hàng cứu trợ và lên đường. Bạn chấp nhận rủi ro bị cơ quan chức năng "sờ gáy" vì tin rằng phiền phức đó nếu có thể gặp sẽ nhỏ bé hơn rất nhiều so với những gì đồng bào đang phải gánh chịu. Nhưng không phải ai cũng có dũng khí ấy. Một doanh nghiệp than thở với tôi, họ cũng bị vướng quy định này. Công ty nhận tiền từ thiện của nhân viên và lãnh đạo, nhưng không dám nhận qua tài khoản công ty vì doanh nghiệp làm gì có chức năng tiếp nhận tiền cứu trợ. Nếu sau này bị thanh tra, họ có thể gặp rắc rối. Họ đành phải lách bằng cách nhận tiền qua công đoàn, dù vẫn có rủi ro, nhưng công đoàn ít bị kiểm tra hơn. Một quy định khiến người tốt lại bỗng dưng phải "luồn lách'.
"Vì sao làm từ thiện mà cũng cần có giấy phép?", bạn tôi hỏi. Có thể, cơ quan nhà nước thực sự lo ngại nguy cơ một số người sẽ lợi dụng việc vận động quyên góp tiền, hàng cứu trợ để chiếm đoạt thành của riêng. Nhưng tôi không nghĩ là ai đó có ý định chiếm đoạt tiền quyên góp mà lại còn mất công đi xin phép nhà nước. Giấy phép con là công cụ được rất nhiều cơ quan quản lý ưa chuộng, nhưng thực tế thường gây ra cản trở nhiều hơn là giúp giải quyết vấn đề. Thực tế, chúng ta đang có nhiều giấy phép con trong các hoạt động dân sự, từ sửa, xây nhà, xin phép bay flycam, giấy phép công diễn trước công chúng... cho tới loạt giấy phép con trong hoạt động kinh doanh được nói đến nhiều năm qua.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ đã nhận thấy sự kìm kẹp của các giấy phép con trong kinh doanh làm khó các doanh nghiệp như thế nào. Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt một chiến dịch rà soát, cắt giảm 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con. Hành động này đã giúp rất nhiều nguồn lực tư nhân được giải phóng, đổ vào làm ăn kinh doanh, góp phần giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng cao, gây ấn tượng trong nhiệm kỳ qua.
Nhưng có vẻ chỉ có giấy phép con trong kinh doanh được rà soát và bãi bỏ, còn giấy phép con trong việc làm từ thiện thì chưa có ai rà soát. Vì thế nên một quy định từ năm 2008 đến nay vẫn còn tồn tại và ngáng đường những người phục vụ cộng đồng.
Chúng ta đã có Hiến pháp mới 2013 nói rằng quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật, chứ không phải nghị định. Chúng ta đã có Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định các quyền dân sự, bao gồm cả quyền tặng cho tài sản, uỷ quyền quản lý tài sản, chỉ bị hạn chế bởi luật. Nhưng một quy định cấm tại Nghị định từ năm 2008 về từ thiện vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống.
Có thể, cơ quan nhà nước thực sự lo ngại nguy cơ một số người sẽ lợi dụng việc vận động quyên góp tiền, hàng cứu trợ để chiếm đoạt thành của riêng. Nhưng tôi không nghĩ là ai đó có ý định chiếm đoạt tiền quyên góp mà lại còn mất công đi xin phép nhà nước.
Quá trình cắt giảm giấy phép con trong kinh doanh, rất nhiều vấn đề đã được chuyển sang cơ chế báo cáo thông tin và hậu kiểm. Tức là, thay vì cấp phép ban đầu, cơ quan nhà nước yêu cầu doanh nghiệp báo cáo thông tin và sẽ tiến hành xử phạt những doanh nghiệp vi phạm nếu phát hiện ra sau đó.
Đối với hoạt động quyên góp từ thiện, nhà nước hoàn toàn có thể áp dụng một cơ chế tương tự. Tức là, thay vì bắt các cá nhân, tổ chức phải xin phép mới được làm, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu các cá nhân tiếp nhận quyên góp phải công khai việc sử dụng số tiền này và xử lý những kẻ lừa đảo, lợi dụng hoạt động này để chiếm đoạt thành của riêng. Bộ Luật Hình sự quy định hành vi lừa đảo, chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên đã có thể bị xử lý hình sự với hình phạt "tù".
Một cơ chế như vậy vừa thuận tiện cho những người thực tâm muốn làm từ thiện - mà tôi tin số họ không ít trong cộng đồng, vừa bảo đảm tính răn đe để khiến các cá nhân, tổ chức không dám lợi dụng lòng tốt để thu lợi riêng.
Quốc hội vừa khởi động Kỳ họp mới, thay vì con mắt nhìn đâu cũng thấy tội phạm, tôi mong các nhà làm luật sẽ sớm đặt nhiều niềm tin hơn vào những cơ chế tự vận hành của xã hội, vào những người dân lương thiện, chính trực và nhân ái của mình.
Nguyễn Minh Đức