Nhiều vụ việc bị dư luận mang ra “mổ xẻ” trong thời gian qua khiến không ít giáo viên mầm non thêm phần áp lực. Ngoài công việc chăm sóc trẻ không ngừng nghỉ trong ngày, họ còn phải đối mặt sức ép vô hình từ phía phụ huynh.
Chứng kiến phụ huynh đánh tới tấp cô giáo
Từ khi ra trường đến nay đã tròn 10 năm, chị Đồng Thị Hiên (sinh năm 1987) gắn bó môi trường giảng dạy tại Trường Mầm non Vimeco (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị Hiên từng dạy qua tất cả “cấp” như lớp nhà trẻ, lớp bé, lớp nhỡ. Chị Hiên thừa nhận, những áp lực về công việc không lớn bằng áp lực về mặt tinh thần. Nhiều khi phụ huynh chưa thấu hiểu, chỉ một vài vấn đề nhỏ đã đánh giá không tốt cả quá trình lao động của các cô giáo.
Chị Hiên không thể quên những ngày đầu mới ra trường: “Khi đó đang đón ở lớp nhà trẻ, có một cháu khóc nức cứ bám riết. Nếu thả bạn này xuống thì cũng thương, vì thế, tôi chưa thể chu đáo đón các bạn còn lại. Trong khi đó, phụ huynh khác lại phản ánh với nhà trường về thái độ đón học sinh của tôi như vậy là chưa niềm nở, không tốt. Nên khi mới ra trường, tôi rất sợ giao tiếp với phụ huynh”.
“Đối với giáo viên mầm non, phụ huynh chỉ có một hướng nhìn hoài nghi nên tôi cảm giác rất áp lực tâm lý. 2 năm đầu tiên đi làm, tôi phải cố gắng hết sức” - chị Hiên chia sẻ.
Mỗi lớp khoảng 30 trẻ thì có từ 3-4 cô chăm sóc, trông nom với một chuỗi bữa ăn, hoạt động được thực hiện trong ngày. Chị Đỗ Thị Thu Hoài - giáo viên trường Mầm non Vimeco - cho biết: “Đến nay, tôi vẫn ám ảnh việc phụ huynh lao vào đánh tới tấp cô giáo. Trước đây, tôi đang công tác tại trường mầm non khác. Buổi trưa các con đang ngủ thì chợt có một cháu bị cắn vào má, lúc này các cô đang ăn cơm. Buổi chiều đón con thấy có vết bầm trên mặt, bố và bà của bé xông tới đánh vào mặt cô giáo. Tôi xuống can ngăn cũng vạ lây”. Lúc bấy giờ, chị Hoài mới công tác chưa lâu. Phải chứng kiến cảnh tượng đó, chị thấy run sợ và ám ảnh khôn nguôi.
Ao ước được dự lễ khai giảng của con
Ngày nào cũng vậy, 7 giờ kém 15, chị Hoài đã phải bước chân ra khỏi nhà và 18 giờ bắt đầu rời khỏi trường học. Vì vậy, chị Hoài phải đưa con mình đi học sớm và hiếm khi được trò chuyện, ngắm nhìn con bước chân vào lớp.
Học kì 2 vừa rồi, con lớn học lớp 10 của chị đã thay đổi giáo viên. Vậy đến giờ này, chị chưa biết mặt mũi cô giáo chủ nhiệm của con như thế nào. Rơm rớm nước mắt, chị Hoài nghẹn ngào: “Khai giảng vào lớp 1 của con thiêng liêng lắm. Tôi chỉ ao ước được đưa con đi, đón con về trong ngày trọng đại này, nhưng chưa bao giờ được thực hiện điều đó vì trùng lịch khai giảng của trường”.
Gắn bó nghề “trông trẻ” được 5 năm, N.H.T (sinh năm 1996, đang dạy tại Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) - cho hay, giáo viên mầm non là nghề vất vả, đặc thù hơn những ngành nghề khác. Tuy nhiên, ngoài những tình huống gặp nhiều khó khăn, căng thẳng thì tình yêu nghề, yêu trẻ khiến chị T có những giây phút hạnh phúc khi ngắm nhìn các con vui chơi.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - nói rằng, giáo viên mầm non là một trong những nghề vất vả nhất. Chăm sóc trẻ nhỏ luôn đòi hỏi sự để ý, quan tâm từng giây phút. Họ phải liên tục làm việc trong trạng thái tập trung cao nhất. Điều này sẽ khiến họ mệt mỏi, mất sức.
“Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ thường đi kèm với tiếng khóc có khi đến hàng giờ, với bỉm sữa… dễ gây ức chế tinh thần. Tất cả những ức chế trên, người giáo viên phải trải qua hàng ngày dù lương của họ luôn ở mức thấp kỉ lục” - bà Hương nói.
ANH THƯ
Vụ 2 giáo viên mầm non Hải Phòng nghỉ việc: Nhà trường lên tiếng
Ngày 9.6, Trường mầm non L.X ( Hải Phòng ) cho biết, việc 2 giáo viên nghỉ việc sau vụ việc bỏ trông trẻ trong ... |
Làm rõ nghi vấn giáo viên mầm non dùng vật nhọn đâm vào tay học sinh
Một phụ huynh vừa tố cáo giáo viên mầm non dùng vật nhọn đâm vào lòng bàn tay, các đầu móng tay của con trai. |
Tìm thấy thi thể nữ giáo viên mầm non Hải Dương nhảy cầu tự tử
Thi thể nữ giáo viên mầm non ở Hải Dương nhảy cầu Phả Lại tự tử được tìm thấy cách nơi xảy ra vụ việc ... |