Nhiều cơ quan chức năng đã xác nhận với Lao Động về việc không cấp phép cho giáo viên P.N.Q và IELTS Tuấn Quỳnh tổ chức các lớp dạy tiếng Anh có thu tiền. Theo quy định, để được mở lớp dạy ngoại ngữ thì tổ chức và cá nhân phải làm hồ sơ và được cơ quan chức năng cấp phép. Nếu không, có nghĩa là đang “dạy chui”.
Mở lớp dạy từ 2017 đến nay
Như Lao Động đã đưa tin, Cộng đồng học IELTS ở Việt Nam đang vô cùng bức xúc, phẫn nộ cho rằng một giáo viên luyện thi IELTS nổi tiếng đã có hành động lừa dối học viên.
Theo các học viên, thông qua trang cá nhân thu hút hơn 50.000 lượt theo dõi và các video chia sẻ trên kênh Youtube, P.N.Q – giáo viên của IELTS Tuấn Quỳnh (có địa chỉ tại Phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) đã tự quảng bá và khẳng định mình đạt 8 tới 8.5 Writing; điểm thi IELTS luôn ở mức rất cao, trên 8.0.
Tuy nhiên, điểm thi nhiều lần trong năm 2019 của Q chỉ ở mức 6.5-7.0 (mức cơ bản).
Về những nội dung liên quan đến tố cáo, sửa điểm lừa dối người học, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, IELTS Tuấn Quỳnh - nơi giáo viên Q đang giảng dạy - cho biết: Có thể trong quá trình thực hiện công việc của mình, cá nhân cô Q có thể khó tránh khỏi một vài sơ suất, thiếu sót mà bất kỳ ai cũng rất dễ gặp phải.
IELTS Tuấn Quỳnh nói mình hoạt động từ năm 2017. Như vậy việc mở lớp dạy các kỹ năng tiếng Anh đã diễn ra từ lâu và cũng có nhiều cá nhân cùng thực hiện. Khi trả lời báo chí, IELTS Tuấn Quỳnh cũng thừa nhận có thu tiền của các học viên để trả công cho giáo viên giảng dạy, chi phí quay clip chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Lao Động, việc mở lớp dạy và thu tiền của người học, cá nhân, đơn vị tổ chức bắt buộc phải xin phép và được cơ quan chức năng cấp phép mới được thực hiện.
Nếu quy mô là trung tâm dạy ngoại ngữ, phải thực hiện theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và phải được Sở GDĐT trên địa bàn cấp phép hoạt động.
Để làm rõ về tính pháp lý của IELTS Tuấn Quỳnh, Lao Động đã lần tìm danh sách các trung tâm ngoại ngữ - tin học được cấp phép hoạt động được Sở GDĐT TPHCM công bố trong các năm 2017, 2018, 2019. Tuy nhiên, không có trung tâm nào có tên “IELTS Tuấn Quỳnh” hay có từ “Tuấn Quỳnh”.
Trước sự việc trên, ngày 5.5, ông Nguyễn Thành Trung – Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM cho biết, Sở đã nhận được báo cáo về vụ việc này. Tuy nhiên, vụ việc phức tạp do có đơn tố cáo lừa đảo, nên Công an quận Gò Vấp đã tiếp nhận hồ sơ và xử lý theo quy định.
Thông tin từ phía Sở GDĐT TPHCM tiếp tục khẳng định IELTS Tuấn Quỳnh hoạt động khi chưa được cấp phép.
Ngoài ra, theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, cá nhân, tổ chức muốn mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà, hoặc thuê địa phương thì phải có hồ sơ xin phép cơ quan chức năng (theo phân cấp quản lý nếu mở lớp dạy cho đối tượng là học sinh THCS trở xuống thì xin phép Phòng GDĐT, từ cấp THPT trở lên phải xin phép Sở GDĐT).
Trả lời báo chí, IELTS Tuấn Quỳnh nói rằng có liên hệ và đăng ký hoạt động ở cấp phường. Tuy nhiên, theo các quy định như trích dẫn ở trên, UBND phường không có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động dạy, luyện thi ngoại ngữ và thực tế UBND phường 3 cũng đã phủ nhận việc từng cấp phép hoạt động cho IELTS Tuấn Quỳnh.
Phải hoàn trả tiền học phí cho học viên
Hoạt động từ năm 2017 đến nay, nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Ngoài ra, IELTS Tuấn Quỳnh cũng đang bị hàng loạt học viên gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về hành vi nâng điểm IELTS, lừa dối người học, thực hiện việc dạy, sửa bài không đúng như cam kết với học viên…
Người theo học các khóa học của cô P.N.Q và IELTS Tuấn Quỳnh cho rằng giáo viên và đơn vị này phải trả lại tiền học phí cho họ.
Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tại Điều 7 cũng đã quy định: Phạt từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép và buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, để một cá nhân mở lớp dạy, có thu tiền của người học, thì cá nhân đó phải có bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, đạt trình độ chuẩn tương ứng với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục. Người dạy cũng phải thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Nếu không thực hiện đúng cũng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 138.