Với cách giải thích nào, các em vẫn bị coi là những người nói dối và người bị tổn thương nhiều hơn vẫn chính là các em học sinh.
Liên quan tới các trường hợp gian lận trong thi cử, thí sinh được nâng điểm tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, mới đây, ngày 17/4, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, các trường thuộc Bộ đã buộc thôi học 25 sinh viên đến từ Sơn La, 28 sinh viên đến từ Hòa Bình vì liên quan đến gian lận thi cử.
Ông Giám cho biết, trước khi tiếp nhận, các trường của Bộ Công an yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển, nhập học đều phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi của các em, nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Và tại bản cam kết, các thí sinh đều cam kết điểm thi của mình là "điểm xịn".
Như vậy, sau khi có kết quả sơ bộ điều tra bước đầu về các vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, hàng loạt các trường đại học cũng đã rà soát và ra thông báo buộc thôi học với một số thí sinh ở Hòa Bình được nâng điểm.
Trường Đại học Ngoại thương cũng đã buộc thôi học 2 thí sinh. Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhận được danh sách 5 thí sinh có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó 2 thí sinh đã bị buộc thôi học do không đủ điểm. Trường Đại học Y Hà Nội cũng buộc thôi học một thí sinh, xin ý kiến chỉ đạo với một thí sinh khác.
Cùng với việc công khai danh sách các thí sinh được nâng điểm, tên tuổi, chức danh, nghề nghiệp của các phụ huynh có con được nâng điểm cũng dần lộ diện, trong đó ghi nhận hầu hết đều là con em cán bộ, lãnh đạo, đảng viên.
Ngoài những luồng dư luận yêu cầu phải xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có dấu hiệu tiêu cực, tham gia sửa điểm thì dư luận cũng đặc biệt qua tâm tới việc xử lý những bậc phụ huynh, những người tham gia vào việc mua bán điểm này thế nào - đặc biệt những trường hợp là cán bộ, đảng viên nhằm bảo đảm tính công bằng, bình đẳng cho các thí sinh học thật, thi thật.
Nhìn từ góc độ đạo đức xã hội, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong thi cử còn nhằm mục đích trả lại sự trong sạch cho chính các em học sinh, những đối tượng bỗng nhiên bị cuốn vào vụ việc, bỗng nhiên trở thành "nạn nhân" và khi đã tham gia vào cuộc chơi các em buộc phải trở thành những người nói dối bất đắc dĩ.
Trường hợp 53 sinh viên bị buộc thôi học thuộc khối trường công an vì được nâng điểm nhưng viết cam kết vẫn phải khẳng định đó là 'điểm xịn' là một ví dụ điển hình. Hay như trường hợp thí sinh T.P.T (quê Hòa Bình), thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn và cũng là sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018, với tổng điểm 27,75.
Tại thời điểm đó đã có nhiều xì xào về gian lận điểm, tuy nhiên, trong buổi lễ tuyên dương và khen thưởng 23 thủ khoa đầu vào các ngành, T đã đến và nói thẳng trực tiếp với các bạn là điểm số đó là do bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết. Và em tự tin về điều đó.
T luôn khẳng định, đó là điểm thực và em tự tin nhận phần thưởng thủ khoa của trường.
Thí sinh này còn mong muốn "sớm làm rõ vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng”.
Đáng tiếc, sau 9 tháng điều tra, thủ khoa "kép" ĐH Sư phạm HN đã được xác định nâng 14.85 điểm. Thí sinh này sau đó đã tự viết đơn xin nghỉ học.
Có thể, bản thân các em cũng không biết mình được nâng điểm, cũng có thể biết nhưng không thay đổi được hoặc bản thân các em cũng muốn được nâng điểm để được theo học các ngành, nghề lý tưởng trong tương lai... Có vô vàn lý do để giải thích, song với cách giải thích nào thì khi sự việc được phát hiện, các em vẫn bị coi là những người nói dối và người bị tổn thương nhiều hơn vẫn chính là các em học sinh.
Khác với lo ngại của Bộ GD-ĐT khi cho rằng, sẽ làm các thí sinh được nâng điểm bị tổn thương nếu phải công bố công khai dánh sách, một ĐBQH từng chia sẻ, việc không công khai danh sách, không làm rõ vụ việc mới có nguy cơ làm tổn thương các em nhiều hơn.
Vì ngoài việc phải chịu áp lực trước dư luận xã hội, bản thân các thí sinh cũng sẽ phải đối diện với áp lực từ bản thân rất lớn. Không những các em phải "gồng mình" để làm thủ khoa, thì với những trường hợp để duy trì một hồ sơ điểm số đẹp, kết quả học tập cao, có thể phải chạy theo những tiêu cực như mua điểm, chạy điểm... cứ như thế, tiêu cực lại nối tiếp tiêu cực, nói dối lại tiếp tục phải nói dối. Như vậy, những hệ lụy, tác động mà các thí sinh phải đối diện thậm chí còn lớn hơn rất nhiều những gì đã xảy ra.
Loạt thủ khoa, á khoa gian lận điểm thi là con em nhiều cán bộ ‘máu mặt' ở Sơn La, Hà Giang
Tại các tỉnh gian lận điểm thi như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, nhiều thí sinh là con em của lãnh đạo tỉnh, cán ... |
Đề nghị công khai danh tính phụ huynh vụ gian lận điểm thi
Nếu thông tin về người mua điểm bị che giấu và họ không bị xử lý sẽ tạo nên bài học sai lệch về chuẩn ... |