Khả năng kháng nhiều loại thuốc diệt gián dù chưa từng tiếp xúc khiến gián Đức trở nên ngày càng khó tiêu diệt.
Các loại bả và thuốc phun sắp không còn tác dụng với gián Đức. Ảnh: Science Alert.
Gián Đức (Blattella germanica), loài côn trùng nhỏ nhanh nhẹn sống ở quanh nơi ở của con người, đã nhanh chóng phát triển khả năng kháng hàng loạt thuốc diệt gián cùng lúc và sẽ sớm gần như không thể tiêu diệt bằng hóa chất. Các nhà nghiên cứu phát hiện từ khi chào đời, gián con có sẵn kháng thể chống lại những chất độc chúng chưa từng tiếp xúc trực tiếp. Khả năng này đôi khi tiến hóa chỉ sau một thế hệ. Phát hiện được công bố hôm 5/6 trên tạp chí Scientific Reports.
"Chúng tôi không biết tại sao gián Đức có thể tiến hóa nhanh như vậy", giáo sư Michael Scharf, trưởng khoa Côn trùng học ở Đại học Purdue tại Indiana, cho biết. "Những con gián phát triển khả năng kháng nhiều loại thuốc diệt côn trùng cùng lúc sẽ khiến việc kiểm soát loài gây hại này bằng hóa chất trở nên bất khả thi".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thử nghiệm hiệu quả của ba loại thuốc trừ sâu với quần thể gián ở các khu chung cư tại Danville, Illinois, và Indianapolis, Indiana, suốt 6 tháng. Họ để quần thể gián thứ nhất tiếp xúc với một loại thuốc trừ sâu. Quần thể gián thứ hai gặp phải hai loại thuốc trừ sâu khác nhau. Với quần thể gián thứ ba, nhóm nghiên cứu áp dụng luân phiên ba loại thuốc trừ sâu, mỗi loại một tháng. Họ cũng theo dõi khả năng kháng thuốc của gián qua nhiều thế hệ, đặt bẫy bắt gián sống để đưa về phòng thí nghiệm.
Trong phần lớn trường hợp, quần thể gián vẫn ổn định hoặc tăng lên, cách thay đổi luân phiên thuốc diệt gián hầu như không có tác dụng trong việc làm giảm số lượng của chúng. Gián non không chỉ kháng thuốc diệt côn trùng bố mẹ chúng từng gặp mà còn có dấu hiệu kháng nhiều loại thuốc diệt gián khác. Một con gián cái có thể đẻ hàng chục con non sau vài tháng, có thể nhanh chóng khôi phục số lượng quần thể
Gián Đức sinh sản nhanh sống ở khắp mọi nơi xung quanh con người, theo khoa Côn trùng và Giun tròn ở Đại học Florida. Gián góp phần lây lan vi khuẩn gây bệnh, phân và các bộ phận cơ thể của chúng chứa chất gây dị ứng, có thể dẫn đến bệnh hen suyễn, một số người thậm chí bị căng thẳng thần kinh khi trông thấy chúng. Scharf khuyến cáo nên sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như giữ gìn vệ sinh, đặt bẫy, dùng máy hút chân không, thay vì chỉ dựa vào thuốc diệt gián.
An Khang (Theo Live Science)
Trang trại nuôi 6 tỷ con gián ở Trung Quốc và kịch bản 'ác mộng'
Trang trại nuôi 6 tỷ con gián ở Tứ Xuyên đang khiến nhiều người lo ngại đến "thảm họa" không tưởng khi số lượng gián ... |