Các chuyên gia tâm lý nói rằng có nhiều lợi ích từ việc 'bày tỏ' sự giận dữ.
Chúng ta thường xem sự giận dữ là cảm giác không nên có và thường làm đủ mọi cách, đôi khi cực đoan, để kiềm chế những cơn bùng phát. Nhưng có thật đó là cảm giác mà chúng ta phải “triệt hạ” hay không? Có thể không. Các chuyên gia tâm lý nói rằng có nhiều lợi ích từ việc "bày tỏ" sự giận dữ.
Sau đây là một số lợi ích được họ đưa ra trên báo The Times of India.
Giận dữ cũng có lợi, nếu bạn biết... |
Thúc đẩy tự vấn
Sau khi trút cơn giận dữ, chúng ta thường ở trong tình trạng tỉnh táo hơn để suy ngẫm về những hành động của mình. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện với người Mỹ và người Nga cho thấy 1/3 những người trút cơn giận dữ cho biết điều đó giúp họ nhìn thấu những sai lầm hay sơ suất của bản thân.
Tạo động lực
Sự giận dữ là một trong những loại lực truyền động có thể thúc đẩy bạn đạt được điều bạn muốn hoặc thúc đẩy những người khác đạt được điều gì đó. Nếu bạn nổi giận vì đã không đạt được điều gì, sự giận dữ có thể là cú hích để bạn tiến tới. Tương tự, bạn có thể “nổi đóa” với ai đó và ép họ thực hiện điều mà bạn muốn họ làm.
Tuy nhiên, trong những tình huống như thế này, sự giận dữ nên được sử dụng một cách tích cực và không mang tính vị kỷ.
Ngăn ngừa bạo lực
Mặc dù sự giận dữ và bạo lực có liên quan với nhau, nhưng nếu sự giận dữ được "bày tỏ" đúng lúc, nó có thể ngăn chặn bạo lực xảy ra. Bạo lực là kiểu giận dữ cực đoan hơn hoặc bị kìm nén không được “xả cảng”. Cũng vậy, khi bạn "bày tỏ" sự giận dữ, tình huống có cơ may được kiểm soát tốt do sẽ có người giúp xoa dịu cơn giận.
Loại bỏ hận thù
Khi "bày tỏ" sự giận dữ, bạn phóng thích nỗi thất vọng chất chứa bên trong mình. Nếu không được trút ra ngoài, nó có thể phát triển thành nỗi oán hận sau một thời gian. Bạn có thể trở nên gay gắt, khắt khe với người đã chọc giận bạn nhưng bạn không bao giờ nói ra điều đó.
http://thanhnien.vn/suc-khoe/gian-du-cung-co-loi-neu-ban-biet-876878.html