Hà Nội và một số địa phương nên phong toả hay giãn cách xã hội trên diện rộng khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng?
Hà Nội và một số địa phương nên phong toả hay giãn cách xã hội trên diện rộng khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng?
Đi tìm câu trả lời cho làn sóng dịch thứ tư, tôi tiếp cận nhiều nghiên cứu khoa học, tìm hiểu 49 quốc gia đã thực hiện phong toả hoặc giãn cách xã hội trong hai năm qua.
Những việc họ đã làm gồm: yêu cầu người dân ở trong nhà, tạm ngừng hoạt động nơi làm việc và trường học, phương tiện giao thông công cộng, các hoạt động vui chơi giải trí và thể dục thể thao, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu.
Hầu hết trong số 49 quốc gia đã phải phong toả đất nước trong thời gian dài, một số nền kinh tế phải giãn cách xã hội hàng năm. Hậu quả để lại là tổn thương tâm lý cho con người và suy yếu về kinh tế.
Nhưng đó là năm đầu của đại dịch. Nhiều dự đoán cho rằng sẽ còn nhiều làn sóng Covid nữa, sóng sau luôn nặng nề hơn sóng trước. Mỗi lần giãn cách xã hội hàng tháng, các đô thị dễ bị đẩy vào tình trạng sa mạc hoá thực phẩm - người dân bị hạn chế tiếp cận thực phẩm rẻ và phong phú trong khi nông sản phải đổ bỏ. Viễn cảnh mất việc, mất thu nhập, nợ nần và tái nghèo xảy ra ở nhóm người yếu thế.
Một năm rưỡi tìm hiểu và theo dõi các chùm ca bệnh, tôi nhận thấy virus chủ yếu tấn công trong nhà, tạo nên những chuỗi lây nhiễm dữ dội. Rất hiếm khi nó lây truyền ngoài trời, ở những nơi không gian thoáng đãng, đặc biệt thoáng gió.
Làn sóng dịch lần này ở nước ta có thể là một bằng chứng.
Đến hôm nay, các ổ dịch vẫn chỉ bùng phát trong khu cách ly, quán karaoke, quán bar, nhà hàng khách sạn, liên hoan tụ tập trong nhà, trên máy bay, trong bệnh viện. Ngược lại, dù quá sớm để khẳng định, nhưng trong bốn ngày nghỉ lễ với các bãi tắm đông người hay khu giải trí ngoài trời, chưa thấy phát sinh ổ dịch nào.
Điều này có vẻ tương đồng với thế giới. Đa số ổ dịch ở các nước cũng liên quan đến nhà máy đông lạnh, tàu du lịch, viện dưỡng lão, quán bar, nhà thờ, máy bay, các tụ tập trong không gian kín, trong bệnh viện.
Nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín hầu hết đều khẳng định, SARS-CoV-2 thường bùng phát ở những nơi thỏa mãn điều kiện: không gian khép kín, ít trao đổi khí, nhiệt độ thấp và khô, sử dụng máy lạnh, mật độ người quá đông.
Covid-19 chủ yếu lây nhiễm trong nhà. Gần như không có ví dụ về sự gia tăng lây truyền virus ở bãi biển và không gian nhiều nắng, gió, giúp phân tán nhanh các hạt trong không khí. Độ ẩm và tia cực tím làm virus mau chóng bị phá hủy.
Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London ghi nhận 96% số trường hợp lây nhiễm xảy ra trong nhà. Dữ liệu này thu thập cả ở những quốc gia thu nhập thấp, chỉ số ít trường hợp lây nhiễm ngoài trời do tụ tập quá đông và quá gần như biểu tình, hội chợ.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy virus có khả năng lây lan cao hơn 19 lần trong môi trường kín. Có 6 trong số 7 trường hợp siêu lây nhiễm đều xảy ra ở trong nhà.
Để hiểu Covid-19 lây truyền ngoài trời thấp đến mức nào, nhà khoa học Franco Belosi người Italy đã sử dụng mô hình toán học. Ông thiết lập một viễn cảnh nghiệt ngã với giả thiết quần thể có 10% dân số nhiễm bệnh. Kết quả tính toán, một người ở ngoài trời tại thành phố Milan sẽ phải hít thở không khí trung bình 31,5 ngày mới tải đủ lượng virus để mắc bệnh, ở thành phố Bergamo sẽ phải hít thở trung bình 51,2 ngày. Mô phỏng cũng ước tính, ngay cả khi 25% dân bị nhiễm bệnh, mỗi mét khối không khí chỉ dưới một virus. Khả năng lây nhiễm ngoài trời vì thế rất hiếm xảy ra.
Hiếm nhưng vẫn có nếu đám đông không giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang hay hò hét, cười nói sát vào mặt nhau.
Lúc đại dịch mới xảy ra, loài người chưa hiểu nhiều về virus nên phong toả hay giãn cách xã hội diện rộng được coi là phương pháp chống dịch hiệu quả. Nhưng đến nay, với hàng vạn công trình nghiên cứu khoa học về Covid-19, con người đã hiểu biết về cách lây truyền của nó.
Đó là lý do nhiều quốc gia đã không còn ưu tiên giải pháp phong toả hay giãn cách. Thay vào đó, họ đánh trực diện vào các yếu tố nguy cơ, cắt đứt nguồn lây nhiễm để dập dịch, đồng thời duy trì các hoạt động xã hội trong trạng thái bình thường mới để tránh đổ vỡ.
Với Việt Nam, tôi cho rằng biện pháp chống dịch chủ động, thần tốc ngăn chặn ca xâm nhập, xét nghiệm sàng lọc diện rộng, truy vết chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly ổ dịch đang là cách thức hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chìa khoá hiệu quả là tập trung "chống dịch trong nhà", chưa nên giãn cách xã hội.
Chống dịch trong nhà là dừng các hoạt động như karaoke, bar, vũ trường, phòng tập thể dục, massage, rạp chiếu phim, sân khấu trong nhà; dừng các hội nghị đông người trong nhà, hoạt động thờ cúng đền chùa, lễ hội truyền thống; không ăn uống tụ tập đông người. Các bệnh viện, trường học, cơ quan, siêu thị và mỗi gia đình phải tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Tôi liên tưởng đến ngày bầu cử 23/5 tới, hơn 71 triệu cử tri có đi bỏ phiếu được hay không?
Đại dịch có thể truyền cảm hứng cho việc tìm kiếm phương pháp bỏ phiếu sáng tạo thay thế cách thức truyền thống để hạn chế tiếp xúc virus gây chết người. Bầu cử online cũng là một giải pháp, nhưng sẽ tạo ra rất nhiều thách thức và tiêu tốn nguồn lực cho Việt Nam.
Không giãn cách xã hội, tổ chức tốt bầu cử ở những không gian ngoài trời thoáng đãng như quảng trường, công viên, đường phố hay những cánh đồng lộng gió, công dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hai mét đến thùng phiếu vẫn là hình ảnh đẹp.
Giãn cách xã hội vẫn giữ nguyên giá trị ngăn chặn dịch, nhưng đó chỉ là giải pháp cuối cùng, khi các giải pháp ít hậu quả hơn bất lực.
Trần Văn Phúc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chưa cần thiết thực hiện giãn cách xã hội |
TP Đông Hà yêu cầu người dân hạn chế ra đường |
53 ca mắc COVID-19, vì sao Đà Nẵng chưa thực hiện giãn cách xã hội? |