Giảm tải chương trình, các kỳ thi để học sinh được ngủ, được chơi

Áp lực học tập, thi cử, điểm số đã khiến học sinh (HS) bị thiếu ngủ trầm trọng, cảm thấy mệt mỏi khi phải tới trường. TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia tâm lý giáo dục, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục, phụ huynh cần thay đổi để chấm dứt tình trạng đứa trẻ chỉ biết học và học, đến nỗi thèm được chơi, được ngủ.

giam tai chuong trinh cac ky thi de hoc sinh duoc ngu duoc choi

Áp lực học tập, thi cử, điểm số khiến học sinh bị thiếu ngủ, cảm thấy mệt mỏi khi tới trường (ảnh minh họa) Ảnh: Hải Nguyễn

“Kêu cứu” để xin được ngủ!

Những ngày qua, đề tài nghiên cứu của 2 nữ sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định) về vấn đề thiếu ngủ của học sinh, tại chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học TPHCM năm học 2017 - 2018, đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Tiếng “kêu cứu” của học sinh TPHCM đúng vào thời điểm trên cả nước xảy ra liên tiếp những vụ học sinh vì áp lực học hành, chán nản do không đạt được như kỳ vọng của bố mẹ đã tìm đến cái chết.

Các em đã thực hiện khảo sát với 7.363 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố và thu được một số kết quả đáng báo động: Cứ 10 học sinh thì có đến 8 em gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng trực tiếp từ giấc ngủ.

Có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, có đến 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. 44,1% học sinh không ngủ trưa. Thời gian học sinh đi ngủ từ 23h - 0h chiếm tỉ lệ cao nhất với 39,8%, 20,7% học sinh đi ngủ sau 0h sáng, số học sinh đi ngủ trước 22h chỉ chiếm 8,6%.

Và lý do học sinh bị thiếu ngủ được 2 nữ sinh chỉ ra trong đề tài của mình là: Do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của học sinh phổ thông.

Theo nghiên cứu của Trang và Vy, việc thiếu ngủ đã khiến học sinh bị rối loạn giấc ngủ. Cụ thể, với thời gian ngủ như hiện tại có hơn 80% học sinh cho biết gặp khó khăn trong việc giữ tỉnh táo, tập trung học bài trên lớp. Vì vậy, nhiều em lên lớp đã ngủ gật hoặc uể oải.

Việc thiếu ngủ này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần, kết quả học tập cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh. Nguy hiểm hơn, nếu hệ quả này kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ tồi tệ như trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.

Trong dự án của mình, các em cũng đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu ngủ của học sinh là: Đề nghị cơ quan chức năng lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và quan trọng nhất là giảm bớt bài tập về nhà, chương trình học.

Cần giảm các cuộc thi vô bổ

Không phải đến khi những học sinh lên tiếng để xin “Hãy cho em được ngủ”, vấn đề quá tải trong học tập của trẻ em Việt Nam mới được nhắc đến. Một thời gian khá dài, dư luận đã lên án nhiều nội dung, kiến thức của chương trình, sách giáo khoa xa rời thực tế cuộc sống, học sinh phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm, trong khi vẫn thiếu những kỹ năng sống cần thiết.

Thậm chí hình ảnh những học sinh còng lưng cõng chiếc cặp nặng 3 - 4kg được đăng tải ngập tràn trên các tờ báo mạng một thời đã trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho việc học sinh Việt Nam đang bị quá tải trong việc học hành. Chương trình học đã nặng, có giáo viên, phụ huynh còn hướng con học tủ, học lệch để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi lấy thành tích, bằng khen, điểm cộng... Vì thế đứa trẻ chỉ biết học và học, thèm được chơi và thèm được ngủ.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay nhiều học sinh có xu hướng đến trường với nỗi lo lắng và sợ hãi. Chương trình học ôm đồm và áp lực từ các kỳ thi đã khiến học sinh vô cùng căng thẳng, thiếu ngủ. Trong khi đó học sinh ít được trang bị phương pháp học tập cũng như một số kỹ năng cần thiết nên càng học càng rối, cộng thêm những thay đổi tâm sinh lý, khiến học sinh có phản ứng, hoặc suy nghĩ tiêu cực, thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Để giảm tải cho học sinh, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia tâm lý giáo dục, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, ngành giáo dục nên dẹp bớt những cuộc thi vô bổ. Đặc biệt cần bỏ ngay các quy định được cộng điểm khuyến khích trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp, khiến học sinh khổ sở khi bị phụ huynh ép học để có thêm lợi thế trong việc xét tuyển, thi tuyển chuyển cấp, hoặc vào các trường top.

“Thời gian qua, ngành giáo dục đã dần dần thay đổi, cắt giảm các kỳ thi để việc học tập trở nên đúng nghĩa hơn. Đặc biệt, mới đây Bộ GDĐT cũng đưa ra dự thảo, hướng tới việc sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT, sẽ bỏ quy định sở GDĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy, cùng với một số cuộc thi văn hóa cấp tỉnh/TP, cuộc thi năng khiếu, thì điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng điểm khuyến khích như trước. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cần mạnh tay hơn nữa “dep” bớt các cuộc thi trong trường học. Một khi vẫn còn quy định coi các cuộc thi là một trong những tiêu chí để xét tuyển đầu cấp thì học sinh sẽ vẫn phải chịu áp lực về thành tích. Trong khi học tập và thi cử khiến học sinh bị áp lực không phải là mục tiêu của giáo dục” - TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Ngoài ra, theo TS. Hương, suy nghĩ con cần phải đỗ với số điểm cao trong các kỳ thi của phụ huynh chính là một phần nguồn cơn gây nên tình trạng quá tải học tập của học sinh. Các em sẽ cảm thấy mệt mỏi, bức bối và việc học tập sẽ trở thành gánh nặng.

Đừng bắt trẻ “gánh” kỳ vọng của cha mẹ

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta bắt gặp không ít những ông bố bà mẹ quá kỳ vọng vào con, giao trọng trách buộc trẻ phải học thật giỏi. Thậm chí, có những gia đình mà cả cha mẹ và con đều bị stress vì việc học của trẻ.

Những thành tích mà ngày xưa cha mẹ không có cơ hội để thực hiện thì bây giờ lại ép trẻ thực hiện. Trẻ vừa phải nuôi dưỡng ước mơ của mình, lại vừa phải gánh trọng trách thực hiện ước mơ của cha mẹ.

Việc bị đặt quá nhiều kỳ vọng, khiến trẻ phải quay cuồng trong học tập, với lịch học dày đặc: Hết giờ học chính khóa lại “chui” vào các lớp học thêm ngoại ngữ, toán, lý, hóa... xen kẽ với các giờ học đàn, học vẽ... cho đến tối mịt. Các ngày trong tuần phải học, đến cuối tuần lại tiếp tục học. Không chỉ học sinh vất vả mà cha mẹ cũng cực khi phải mất thời gian đón đưa.

Trước thực tế này, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh: “Thay vì bắt con học tập, nhồi nhét kiến thức văn hóa, phụ huynh cần chú ý đến việc đào tạo kỹ năng sống cho con. Thực tế đã chứng minh việc học giỏi các môn học trên lớp, thi đạt thành tích cao tại các kỳ thi không phải là điều đảm bảo chắc chắn để tương lai con thành công. Điều quan trọng quyết định sự thành công chính là ở khả năng quan sát, tự lập, tự nghiên cứu, ứng biến trong các tình huống của cuộc sống và công việc. Đừng biến con em mình thành những đứa trẻ chỉ biết học, nhưng ngơ ngác khi bước ra đời”.

giam tai chuong trinh cac ky thi de hoc sinh duoc ngu duoc choi Thầy khiến HS khóc nghẹn: Người lớn khéo léo, trẻ sẽ nhận ra lỗi lầm

TS Nguyễn Thành Nhân cho rằng trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ đã quên đi tình cảm tốt đẹp mà ...

giam tai chuong trinh cac ky thi de hoc sinh duoc ngu duoc choi “Hãy cho em được ngủ!”

Ngủ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào đang là một trong những biểu hiện đáng lo ngại về tình trạng thiếu ngủ ...

/ https://laodong.vn