Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, băn khoăn lương hưu khó đủ sống

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thay đổi về chính sách hưu trí là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Bộ LĐ-TB&XH đã có giải trình cụ thể với những góp ý liên quan.

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, băn khoăn lương hưu khó đủ sống ảnh 1

Thay đổi về chính sách hưu trí là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm

Tại lần sửa đổi này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm. Đề xuất này được cho là sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì họ phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Góp ý vào nội dung này, Bộ NN&PTNT đề nghị cần tính toán số tiền đóng bảo hiểm tối thiểu là bao nhiêu, bởi số năm đóng rút ngắn đi thì số tiền tối thiểu phải tăng lên mới đảm bảo người lao động có khoản lương hưu tạm đủ sống.

Nếu đóng ở mức tối thiểu như hiện nay, sau 15 năm, số tiền quá ít, quỹ bảo hiểm xã hội không được cải thiện, chính sách an sinh không đạt được mục đích.

Giải trình về nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc quy định giảm điều kiện nhằm hướng tới việc nhiều người lao động được tiếp cận lương hưu hơn. Để có mức lương hưu cao hơn, người lao động có thể đóng dài hơn.

Còn đề xuất này, sẽ thuận lợi với những trường hợp trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu, phải nhận bảo hiểm xã hội một lần, nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh, và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.

Mặc dù giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm, song điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động vẫn cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.

Về nội dung này, Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo Luật quy định điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động vẫn quy định điều kiện từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Để đảm bảo tính thống nhất, chính xác, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, sửa đổi quy định này cho phù hợp.

Giải trình về nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị được giữ như dự thảo. Các trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.

Nếu áp dụng quy định đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu với các trường hợp nghỉ hưu sớm như trên sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp (thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi), mức lương hưu quá thấp, không có nhiều ý nghĩa.

Cụ thể, nếu lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho 15 năm đóng, sau đó cứ thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính cộng thêm 2%, tối đa bằng 75% lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

https://www.anninhthudo.vn/giam-so-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-ban-khoan-luong-huu-kho-du-song-post545971.antd

An Nhiên / ANTD