Giảm nghèo bắt đầu từ ý thức

“Giảm nghèo chưa bền vững, người dân vẫn có tư tưởng thích nghèo, sự chồng chéo về chính sách...” là những cụm từ khá quen thuộc trong các báo cáo đánh giá hàng năm của Bộ LĐTB&XH đối với công tác giảm nghèo. Lý do đã được nhận diện nhưng để tìm giải pháp cho vấn đề giảm nghèo bền vững không hề dễ. Có một thực tế không thể phủ nhận đó là thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam được khá nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận.

giam ngheo bat dau tu y thuc
Chỉ khi người dân thực sự hiểu về chính sách khi ấy mới chủ động thoát nghèo. (Ảnh: Võ Việt).

Có được điều này là nhờ Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho chính sách giảm nghèo. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 -2015 nguồn lực bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 là gần 47.340 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm trên 82%. Cùng với Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm hướng dẫn triển khai có hiệu quả việc giảm nghèo bền vững. Song bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập cũng nảy sinh từ những chính sách này.

Mới đây tại buổi hội thảo đánh giá về những bất cập trong chính sách giảm nghèo do Bộ LĐTB&XH tổ chức, đại diện tỉnh Sơn La nhìn nhận, chính sách giảm nghèo rất bất cập và thực hiện rất khó, có những văn bản cấp huyện không hiểu để triển khai thực hiện được như Quyết định 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Việc điều tra rà soát hộ nghèo theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 khiến địa phương lúng túng. Cùng với đó, độ trễ trong việc thực hiện chính sách khiến địa phương gặp nhiều khó khăn, thậm chí tiền đã phát cho hộ nghèo, chính sách thay đổi, giờ phải thu hồi lại.

Đánh giá về sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cũng thừa nhận, hiện có khoảng 80 loại chính sách khác nhau cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Thậm chí, cùng một chính sách hỗ trợ cho người nghèo của các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ lại có các văn bản quy định khác nhau và được bổ sung thường xuyên, khiến cho số lượng văn bản chính sách trở nên... khổng lồ. Chính bản thân các cán bộ cơ sở không nhớ nổi có bao nhiêu chính sách cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Thậm chí, theo ông Đàm, có nhiều văn bản chính sách sẽ gây ra dàn trải không tập trung thành sức mạnh cho người nghèo thoát nghèo bền vững.

Trước thực trạng trên mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2018.

Mục tiêu của Kế hoạch là 100% các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, đề xuất các nội dung chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo, không dàn trải, đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu, nội dung kế hoạch đề ra. Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát chính sách thuộc các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động - việc làm, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cán bộ, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về thông tin và truyền thông và chính sách giảm nghèo nói chung.

Đáng lưu ý, theo Kế hoạch kiến nghị tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ chính sách theo hướng: Xác định rõ vai trò chủ trì và các bên tham gia, có cơ chế phối kết hợp cụ thể ngay từ khâu lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách được tích hợp và lồng ghép nguồn lực; giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Có thể khẳng định Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 – 2018 của Chính phủ là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết. Bởi qua đó giúp hài hòa các cơ chế, thống nhất quy trình áp dụng; giúp các cán bộ địa phương (nhất là cán bộ ở cấp cơ sở) thuận lợi hơn trong việc tra cứu, nắm bắt và triển khai chính sách, tránh tình trạng có nhiều cơ quan chủ trì với qui trình, đối tượng, phạm vi, ngân sách, định mức, chế độ báo cáo, kiểm tra giám sát - đánh giá khác nhau. Việc tích hợp chính sách ở cấp trung ương giúp giảm trùng chéo, lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách ở các cấp địa phương; đồng thời là cơ hội khắc phục những bất cập, điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn, mở rộng đối tượng hưởng lợi, bổ sung nội dung chính sách và tăng định mức hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết và khả thi. Bên cạnh đó, việc tích hợp các chính sách giúp giảm thiểu thủ tục hành chính ở địa phương cho cả người được thụ hưởng lẫn cán bộ thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, giảm tồn đọng hồ sơ và giảm sai sót.

Chính vì vậy các Bộ, ngành, địa phương với chức năng, nhiệm vụ của mình cần nghiêm túc thực hiện yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra tại bản Kế hoạch. Thực tế cho thấy việc xây dựng một văn bản pháp luật, chính sách đã khó, việc rà soát để tích hợp, lồng ghép sao cho phù hợp mà không tác động đến người dân càng không dễ. Trước đó trong giai đoạn 2015-2016, một số chính sách của Trung ương được tích hợp cho phù hợp với định hướng cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh những ưu điểm đánh giá của nhiều địa phương cho rằng việc tích hợp các chính sách vẫn tồn tại không ít bất cập, hệ quả là nhiều địa phương loay hoay không biết nên làm theo chính sách cũ hay chính sách mới.

Để người dân có thể chủ động thoát nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn lực thì những văn bản hướng dẫn rất quan trọng. Nhưng nó sẽ là nỗi ám ảnh nếu các bộ, ngành, địa phương vẫn tồn tại tư duy “lĩnh vực của ai người đó ra... văn bản”. Chính vì vậy các bên liên quan khi cần ngồi lại cùng nhau rà soát và đặc biệt cần có những khảo sát lấy ý kiến người dân đánh giá tác động đối với những chính sách được tích hợp. Chỉ khi người dân thực sự hiểu về chính sách khi ấy mới chủ động thoát nghèo.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/giam-ngheo-bat-dau-tu-y-thuc-377777

Theo Lê Minh Long/daidoanket