Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến về định hướng xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Thuế tài nguyên, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12%.
* Đại diện Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết:
Đề xuất này là hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, để xuất này dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Ông Thi cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB) và Việt Nam cũng trong xu hướng đó.
Được biết, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất 10% theo một trong hai phương án: Phương án 1: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 01/01/2019; phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
Xung quanh đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính, PLVN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia…
* TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:
“Cần thận trọng với quyết định tăng thuế…”
Theo tôi, Bộ Tài chính cần thận trọng với quyết định tăng thuế GTGT vì ít nhất 3 lý do:
Thứ nhất, thuế GTGT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế GTGT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của thuế GTGT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất thuế GTGT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với mức thuế phổ thông hiện nay là 10%, thuế GTGT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), thuế GTGT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất GTGT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.
Thứ ba, quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế GTGT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” và kém hiệu quả…
* PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính:
“Vẫn rất cần thực hiện điều tra thực tế…”
Về cơ bản tôi thấy các đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế này là hợp lý, cần thiết, phù hợp thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi chỉ lưu ý thêm 3 điều:
Một là, mọi sự lựa chọn chính sách đều có hai mặt – được và mất, không có sự lựa chọn nào chỉ có ưu điểm mà không có hạn chế;
Hai là, mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều có điểm chung là nâng cao mọi mặt của đời sống nhân dân. Để làm được điều này thì có nhiều việc, trong đó có giảm nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, muốn giảm nghĩa vụ thuế thì phải giảm chi NSNN, nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt NSNN, tăng nợ công… mà hậu quả của nó là ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Như vậy, câu chuyện về thuế không chỉ đơn thuần câu chuyện về thuế mà là nhiều vấn đề khác như: nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước; tinh giản biên chế; quản lý chi tiêu NSNN tiết kiệm và hiệu quả; chống tham nhũng hiệu quả…;
Ba là, do tác động của thuế là tác động dây chuyền và phức tạp phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế vĩ mô nên mọi sự điều chỉnh về thuế (mở rộng hay thu hẹp phạm vi điều chỉnh; tăng thuế suất; điều chỉnh ưu đãi thuế…) cần thực hiện điều tra để lấy số liệu thực tế đánh giá một cách khoa học, dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn làm căn cứ quyết định chính sách.
Thuế GTGT là một sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng. Xét một cách tổng thể thì tăng thuế suất thuế GTGT có thể làm giảm tổng cầu hoặc giảm tiết kiệm của dân cư hoặc không có tác động đáng kể. Tác động cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể về điều kiện kinh tế vĩ mô và mức tăng thuế suất. Các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến tác động của tăng thuế suất thuế GTGT đến tăng trưởng kinh tế chủ yếu là: cơ cấu tiêu dùng dân cư về các loại hàng hóa, dịch vụ; cơ cấu tiêu dùng sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu; cơ cấu sản phẩm xuất khẩu… Những yếu tố này và tác động của tăng thuế suất đến tăng trưởng kinh tế cần phải có số liệu thống kê và đưa vào mô hình kinh tế lượng để phân tích. Không thể nói cảm tính được.
Tăng thuế suất sẽ dẫn đến tăng thu NSNN nhưng thuế suất tăng quá cao có thể dẫn đến giảm thu NSNN và để xác định tác động của thuế suất đến nguồn thu cần phải có số liệu thống kê và đưa vào mô hình kinh tế lượng để phân tích. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương đồng mà tôi được biết thì với mức tăng thuế suất thuế GTGT như hiện nay không có khả năng gây tác dụng ngược, tức là có khả năng tăng thu cho NSNN. Tuy vậy, vẫn rất cần thực hiện điều tra thực tế để có số liệu đánh giá có cơ sở thực tiễn…
*TS Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Marketintello:
Thuế tiêu thụ hay thuế thu nhập?
Việc Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% đặt ra một vấn đề quan trọng về mặt lý luận mà các nhà kinh tế cần phải xem xét khi đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối chính sách này. Đó là nguồn thu thuế nên dựa vào thuế thu nhập (income tax) hay thuế tiêu thụ (consumption tax) (thuế GTGT, thuế doanh thu, thuế bán lẻ v.v. là các biến thể của thuế tiêu thụ).
Trước khi đi sâu vào lý luận tôi muốn nhấn mạnh rằng vấn đề nợ công của Việt Nam - nguyên nhân chính khiến Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT – xuất phát từ việc chi thường xuyên quá cao và Chính phủ có vẻ như bất lực trong việc cắt giảm chi thường xuyên. Vì vậy, việc giảm chi thường xuyên mới là mấu chốt của vấn đề nợ công.
Xét trên góc độ lý luận, chúng ta cần xem xét trên khía cạnh: giả sử cùng với một lượng thu ngân sách từ thuế, việc thu thuế từ thuế thu nhập tốt hơn hay thuế tiêu thụ tốt hơn?
Quan điểm của tôi là thu thuế từ thuế tiêu thụ tốt hơn và chúng ta cần có một lộ trình để chuyển sang hướng này.
Thoạt nhìn, hệ thống thuế dựa trên thu nhập tưởng chừng công bằng hơn so với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ. Hệ thống thuế dựa trên thu nhập sẽ áp đặt mức thuế cao hơn cho người có thu nhập cao và thấp hơn cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính việc đặt ra các mức thuế khác nhau cho những đối tượng khác nhau lại tạo ra vấn đề cho khái niệm công bằng, chưa kể hệ thống thuế dựa trên thu nhập cực kỳ phức tạp và rối rắm.
Trong khi đó, với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, tất cả mọi người đều phải đóng thuế. Người giàu tiêu thụ nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều, người nghèo tiêu thụ ít sẽ phải đóng thuế ít. Thường với cũng một loại hàng hóa, người giàu tiêu thụ các loại hàng hóa cao cấp hơn nên trên thực tế với cùng mức thuế họ đóng thuế nhiều hơn người nghèo.
Tuy nhiên, cần lưu ý, hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập thực chất là hệ thống thuế đánh vào tiết kiệm. Nó khiến cho giảm đầu tư và giảm tăng trưởng kinh tế về dài hạn. Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ lại khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, do vậy tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho nền kinh tế, làm tăng thu nhập của người dân và dẫn đến tăng chi tiêu trong tương lai…