Giải pháp nào cho hàng nghìn người đang chờ ghép tạng?

Nhu cầu ghép tạng ở nước ta đang rất lớn, hiện trong danh sách chờ ghép quốc gia có hơn 5.000 ca, nhưng đây là con số rất nhỏ so với thực tế. Ước tính, trung bình mỗi ngày có khoảng 36 người từ giã cõi đời vì không chờ được tạng ghép.

Trong khi nhiều nước trên thế giới, có khoảng 90% người ghép tạng từ nguồn cho chết não, tại Việt Nam con số này chỉ 6%. Nếu tới đây, Dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác đưa vào quy định chặt chẽ hơn, chỉ bố mẹ, con ruột, anh chị em ruột mới được hiến tạng, thì nguồn tạng hiến từ người cho sống ngày càng khó khăn.

phau thuat ghep gan bat dong nhom mau - anh 1.jpg -0
Ghép gan bất đồng nhóm máu là giải pháp tăng nguồn hiến tạng.

Ghép gan bất đồng nhóm máu để tăng nguồn tạng

15 tuổi đã mang trong mình căn bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, cháu N.T.P (Quảng Bình) được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) chẩn đoán không thể cắt khối u do chức năng gan đã kém vì xơ gan, lách to. Để cứu tính mạng cho cháu, không còn biện pháp nào khác ngoài ghép gan. Trong gia đình chỉ có bà nội của cháu cho được gan, nhưng lại khác nhóm máu. Việc ghép gan bất đồng nhóm máu cho người trưởng thành chưa từng được thực hiện tại Việt Nam.

PGS.TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hoá, Bệnh viện 108 thông tin, ngày 30/10 vừa qua, kíp ghép gan đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan phải từ người cho sống (bà nội) tiến hành ghép cho cháu gái. Sau 8h, ca ghép gan được thực hiện thành công, người cho gan ra viện sau 1 tuần, người nhận gan hồi phục sức khoẻ tốt. “Hiện có những loại thuốc điều chỉnh ức chế miễn dịch và có thể điều trị cho bệnh nhân bất đồng nhóm máu, giá ngày càng rẻ. Kết quả bệnh nhân sống sau 5 năm tương đương với nhóm bệnh nhân đồng nhóm máu.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất thế giới. Dịch tễ về viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan do virus viêm gan B và viêm gan C từ 15-20%, thậm chí có nghiên cứu đến 25% trong quần thể người nhiễm viêm gan B, C.

Theo tính toán, đến năm 2025, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B chuyển thành ung thư gan rất cao. Vì vậy, số người đăng ký và chờ ghép gan rất lớn, khoảng 3.000 ca/năm. Nhưng nguồn tạng rất hiếm hoi. Ghép gan bất đồng nhóm máu chính là phương pháp tăng cơ hội sống cho người bệnh cần ghép cũng như tăng nguồn hiến tạng mà người hiến đồng nhóm máu không đủ. Đây là phương pháp mà thế giới và Việt Nam hướng tới để chủ động nguồn hiến mới.

Đề xuất nhiều giải pháp

Tính đến đầu tháng 12/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước thực hiện gần 8.000 ca ghép tạng, tuy nhiên trong số đó, chỉ có 466 ca từ người cho chết não, tương đương với 5,92% số ca ghép đã thực hiện. Theo GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, dự kiến Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác sửa đổi tới đây sẽ có thay đổi so với trước, sẽ có những quy định chặt chẽ hơn như người hiến tạng chỉ có bố mẹ đẻ, anh chị em ruột, anh chị em họ không được cho tạng, nhằm hạn chế mua bán tạng. Tuy nhiên, quy định chặt chẽ này cũng sẽ hạn chế nguồn hiến tạng khi còn đang rất ít. Nếu Luật sửa đổi được thực thi, chỉ bố mẹ, anh chị em ruột mới được cho tạng, sẽ mất cơ hội cứu sống nhiều người”, GS Khánh nói.

Tương tự, GS Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hoá Việt Nam cho hay, không chỉ nguồn tạng cho sống mà nguồn tạng từ người chết não cũng rất ít ỏi. Theo Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm bệnh viện có 1.200-1.500 ca chết não, nhưng năm nhiều nhất chỉ được 15 ca cho tạng, năm ít chỉ có 2 ca. Hiện nay, cơ chế chính sách cho người hiến tạng chưa rõ ràng, đặc biệt quyền lợi cho người hiến còn rất khó khăn, nên khó vận động được người hiến.

Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 8 người, nên Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cần có sự phối hợp của 1.500 cơ sở y tế trên cả nước trong việc chủ động phát hiện nguồn chết não tiềm năng, truyền thông cho tất cả người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất cần có quy định điều chỉnh, mở rộng độ tuổi đối với người chết não hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người.

Ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác là tăng nguồn hiến tạng. Trên hệ thống mới chỉ có thông tin người chờ hiến, chưa có thông tin người có tiềm năng (hiến tạng sau khi chết, chết não), vì vậy giải pháp đầu tiên là phải xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu, tạo lập kết nối giữa người chờ hiến tạng và người hiến tạng tiềm năng. Khi người bệnh chết não, đối chiếu theo thông tin đăng ký hiến tạng tích hợp trên căn cước công dân sẽ có thể nhanh chóng lấy tạng của người hiến cứu sống các bệnh nhân đang trong danh sách chờ. 

Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đã có ý kiến với Bộ Y tế, đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả cho người dân trong phẫu thuật ghép, hiến mô, tạng, để mọi người dân, dù hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội được ghép tạng, kéo dài sự sống. Các hoạt đông chẩn đoán chết não, hồi sức, lấy tạng, vận chuyển tạng, bảo quản cũng cần được bảo hiểm xã hội chi trả.

https://cand.com.vn/y-te/giai-phap-nao-cho-hang-nghin-nguoi-dang-cho-ghep-tang--i716709/

Trần Hằng / CAND