Chỉ còn hơn 2 tuần nữa cả nước sẽ bước vào năm học mới 2024-2025. Tình trạng quả tải trường lớp và thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nóng đang được các cấp quản lý tìm hướng giải quyết.
Khó đáp ứng quy định 35 học sinh/lớp
Năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các Sở GD-ĐT thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông. Bộ yêu cầu các địa phương bảo đảm tỷ lệ phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học (35 học sinh/lớp); có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định. “35 học sinh/lớp là điều mong muốn của nhiều trường, mơ ước của tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, thực tế để làm được rất khó do quỹ đất Hà Nội có hạn, dân cư càng ngày càng tăng, các quận cũng đang cố gắng giảm sĩ số tối đa. Mong muốn của các nhà quản lý giáo dục là thành phố có thể dành thêm quỹ đất xây dựng trường học để đạt sĩ số lý tưởng như theo quy định, hoặc thay đổi quy định số tầng với trường học, cho phép xây cao tầng hơn để có nhiều phòng học hơn” - bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết.
Hà Nội tích cực triển khai tăng cường xây mới trường lớp, phân tuyến tuyển sinh hợp lý, tránh tồn tại các điểm nóng |
Được biết, những năm trước, quận Hà Đông là một trong những quận chịu nhiều áp lực về tuyển sinh ở các khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Ví dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh thuộc huyện Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ “tràn” sang quận Hà Đông. Trong kế hoạch, phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 em/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn học sinh. Hiện tại, các trường tiểu học trên địa bàn quận đã giảm sĩ số xuống dưới 50 học sinh/lớp do đã có trường học được xây dựng trong khu đô thị.
Tập trung mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục Thủ đô |
Liên tục xây mới, bổ sung trường, lớp
Năm học này, quận Hà Đông có trường THCS Hà Đông xây mới và đi vào hoạt động, 7 trường khác được xây thêm phòng học trên nền trường cũ... góp phần không nhỏ trong nỗ lực giảm sĩ số lớp học.
Mới đây, ngày 15-8, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ gắn biển công trình trường Tiểu học Võ Thị Sáu với tổng mức đầu tư hơn 87,8 tỷ đồng. Bà Lê Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường Tiểu học Võ Thị Sáu được xây dựng với quy mô 20 phòng học, 6 phòng chức năng, 1 sàn giáo dục thể chất; được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định. Trong năm học 2024 - 2025, trường có 12 lớp học với 315 học sinh. Nhà trường đã được kiện toàn Ban Giám hiệu gồm 2 thành viên, 15 giáo viên và 7 nhân viên. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được đưa vào sử dụng đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.
Đối với việc thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, năm 2024, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các quận, huyện khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định. Theo đó, việc tăng cường xây mới trường lớp, phân tuyến tuyển sinh hợp lý, tránh tồn tại các điểm nóng đã được các quận huyện tích cực triển khai.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội luôn tập trung mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục Thủ đô. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành giáo dục Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn để đạt nhiều thành tích xuất sắc. Đơn cử tại Hoàng Mai xây mới 17 trường; riêng năm 2024, khánh thành 4 trường công lập, góp phần giảm áp lực về sĩ số trường lớp, đảm bảo chỗ học cho học sinh trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, tăng 39 trường với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Năm học 2023-2024, Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại. Hai năm qua, số lượng trường lớp các cấp tại Hà Nội phát triển rõ rệt.
Tăng quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên
Năm học 2024 - 2025, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Cụ thể, mầm non tăng hơn 2.300 nhóm lớp, phổ thông tăng trên 7.100 lớp. Thực trạng này khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra. Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp mầm non, phổ thông. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…
Ông Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), cho biết, dù là một trong những trường tốp đầu của thành phố, nhưng năm học 2024-2025 nhà trường vẫn phải tuyển hàng loạt giáo viên hợp đồng, từ các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đến một số môn lựa chọn như Lịch sử, Vật lý... Với nhiều trường tư thục ở Hà Nội, tình trạng thiếu giáo viên cũng đang rất nan giải và buộc các trường này phải tuyển cả sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, với hy vọng sẽ bồi dưỡng, kèm cặp, hỗ trợ trong quá trình đứng lớp.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo; đồng thời, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng…
Được biết, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, năm học 2023-2024, thành phố tuyển dụng được 1.038 viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc thành phố quản lý với quy trình tổ chức công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành giáo dục Thủ đô tích cực, chủ động tham mưu cho UBND thành phố về cơ chế, chính sách theo hướng bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.
Theo đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để nâng cao chất lượng và thúc đẩy phát triển giáo dục, Hà Nội đã triển khai thí điểm định mức đơn giá giáo dục, bước đầu cho kết quả khả quan, tích cực giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các nhà trường.