Trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32%, tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính mới đây điều chỉnh tăng giá xăng E5 RON92 lên 30.235 đồng/lít (thêm 602 đồng/lít); tăng giá xăng RON95 lên 31.578 đồng/lít (thêm 921 đồng/lít). Mức giá cao kỷ lục này gây sức ép lớn nên nền kinh tế, áp lực tiêu cực đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tin với VTC News, đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000 - 11.000 đồng/lít). “Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít)”, nguồn tin từ Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Giá mỗi lít xăng Việt Nam đang gánh khoảng 10.000 - 11.000 đồng thuế, phí. (Ảnh minh họa)
Liên quan đến câu chuyện giá xăng, thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục và đang ở mức cao nhưng giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn so với những nước có chung biên giới như Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Ngoài ra, từ đầu năm đến 1/6 (kỳ điều hành gần nhất), trong khi giá bình quân một số mặt hàng xăng dầu thế giới trên thị trường Singapore tăng 45,86%- 63,68% thì giá trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%. “Như vậy, dù điều hành theo đà tăng của thế giới nhưng mức tăng của giá xăng dầu Việt Nam vẫn thấp hơn”, ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định nguyên nhân do chúng ta đã chủ động, linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong suốt thời gian vừa qua, để hạn chế sự biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá quốc tế, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ông Hải cũng khẳng định Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt hai nội dung liên quan đến xăng dầu, đó là giải pháp nguồn cung xăng dầu và diễn biến giá cả.
Bộ Công Thương cũng luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá thế giới, mang lại những thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân và doanh nghiệp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát để trong phạm vi cho phép sẽ tiếp tục giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu”, ông Hải nói.
Trong khi đó, trước việc giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ không pha chì từ 20 xuống 12% để đa dạng hóa nguồn cung.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay chúng ta áp dụng các loại thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (VAT). Các sắc thuế này đảm bảo phù hợp thông lệ chung trên thế giới. Trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu chiếm 50 - 60%, trừ những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn. Sau khi chúng ta có một số chính sách về giảm thuế thì tỷ trọng thuế đối với xăng từ 29 - 31%, với dầu diesel khoảng 13,3% và không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng dầu.
“Như vậy tỷ trọng thuế xăng dầu của chúng ta tương đối thấp so với thế giới”, ông Tuấn nhận xét.
Đại diểu Quốc hội đề nghị giảm thuế, hạ nhiệt giá xăng
Trả lời VTC News, ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh xăng dầu được ví như “máu” của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng cao sẽ trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm, kéo theo giá hàng hóa, tạo áp lực lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19
“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế. Việc giá xăng dầu tăng cao trong các kỳ điều hành gần đây, đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua cơn “bạo bệnh” vì dịch COVID-19, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả”, ông Thắng nói.
Ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Quochoi)
Hiện mỗi lít xăng bán lẻ trong nước đang chịu áp dụng nhiều sắc thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (trên giá nhập tại cảng) và thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít). Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách quốc gia (thuế thu từ xăng dầu chiếm rất lớn), giảm thuế có thể ảnh hưởng đến ngân sách. Nhưng xăng dầu lại là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế. Nếu giá xăng tăng quá cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác, gây lạm phát, tạo ra khó khăn “kép” cho nền kinh tế.
“Theo tôi để giải quyết cân bằng 2 vấn đề, có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống một mức nào đó. Bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao gây ra nhiều khó cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường”, ông Thắng nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng, việc giá xăng tăng phi mã như hiện nay sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, do đó, cần những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu.
"Quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng", bà Sửu nói.
Bà Sửu phân tích, việc tăng giá xăng dầu chịu ảnh hưởng từ giá thế giới, từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chủ động về nguồn cung, nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Muốn như thế, phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các mỏ và nhà máy lọc dầu trong nước.
“Để có dư địa giảm với xăng, tôi cho rằng, cần tính toán tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành nghề dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, hoạt động giải trí, vì những ngành nghề này đã hoạt động trở lại”, bà Sửu đề xuất.