Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao

Xăng dầu đã 5 lần giảm giá liên tiếp nhưng giá cước vận tải và hàng hoá thiết yếu vẫn neo ở mức cao. Theo các chuyên gia, để kéo giảm giá hàng hoá, cần phải rà soát các yếu tố hình thành giá, giảm chi phí khâu trung gian.

Hàng hoá vẫn neo ở mức cao

Theo ghi nhận của PV tại một số chợ truyền thống, giá cả một số mặt hàng như rau xanh, thực phẩm  tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm… đều đang neo ở mức cao. Giá xăng dầu đã 5 lần giảm giá nhưng giá hàng hoá vẫn đứng im. Rau xanh thì do mưa bão giá một số loại tăng, còn vẫn giữ ở mức cao. Hiện người tiêu dùng đang mong chờ hàng hoá giảm, để đỡ được phần nào chi tiêu, phù hợp với mức thu nhập của mình.

Chị Thanh Nhàn (Trung Văn - Hà Nội) cho biết, giá xăng dầu giảm sâu nhưng hầu như chưa thấy tác động tới thị trường hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu. Nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn có giá cao, một số mặt hàng đồ tươi sống thậm chí còn đang tăng chóng mặt. Rau xanh theo mùa và phụ thuộc thời tiết nên giai đoạn này giá cũng khá cao. Đơn cử như hành lá 50.000 đồng/kg; xà lách 50.000 đồng/kg; cải bắp 15.000 đồng/kg (giảm được 3000-5000 đồng/kg); dưa chuột 20.000 đồng/kg…Giá thịt lợn tại chợ cũng đang ở mức 110.000 đồng- 150.000 đồng/kg tuỳ loại.

Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao -0
Giá hàng hóa chưa giảm nhiều tạo áp lực lớn với người lao động.

Trên thực tế, giá hàng hoá tăng theo giá xăng nhưng khi xăng, dầu giảm chưa thấy động thái điều chỉnh giá liên tiếp của các cửa hàng. Có thể thấy, có không ít mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và khó hạ nhiệt.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, câu chuyện tăng giá thịt lợn theo giá xăng dầu và không chịu giảm khi giá xăng xuống dường như không hề mới mẻ. Ông Phú lấy ví dụ, 1kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3-4 khâu trung gian đã đẩy giá lên. Theo ông Phú, để hạ nhiệt giá hàng hoá nhanh chóng, cần giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát lại các yếu tố hình thành giá cả. Tránh trường hợp nhà cung cấp trung gian được hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi cao và đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng hóa giá đắt đỏ.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đang giữ ở mức giá cao; trong bối cảnh giá xăng dầu đang có nhiều kỳ điều chỉnh giảm. Nguyên nhân giữ giá của các mặt hàng đến từ nhiều nguyên nhân: Giá nhập hàng hoá từ các nhà cung cấp vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét; hiện, giá hàng hoá thiết yếu vẫn giữ nguyên và duy nhất có mặt hàng dầu ăn có sự điều chỉnh giảm, đến nay đã có 2 lần giảm với mức giảm 6% so với trước. Trên thực tế, nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng nhiều do nhập nguyên vật liệu ở mức giá cao, chi phí sản xuất tăng cao nên sản phẩm, hàng hoá thành phẩm đưa tới nhà bán lẻ cũng bị ảnh hưởng khá mạnh.

Cần giảm giá ở khâu trung gian

Chị Nguyễn Hương (tiểu thương chợ Văn Nội- Hà Đông) cho biết, thịt lợn hơi giảm giá bán tại chợ cũng đã giảm được 20.000-30.000 đồng/kg tuỳ loại. Nhập hàng vào tăng giá thì sẽ bán giá đẩy lên, còn nhập giảm thì bán giá giảm. Tuy nhiên, mổ 1 con lợn qua nhiều công đoạn. Ví dụ như từ 100kg lợn hơi chỉ thu được 55kg thịt lợn ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Từ giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi, sau khi giết mổ thì chi phí 1kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ thành 127.000 đồng/kg.

Theo đại diện của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ sản xuất đến tiêu dùng ở hầu hết hệ thống phân phối các mặt hàng trong đó có mặt hàng thịt lợn đều tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Đối với mặt hàng thịt lợn, khâu trung gian có phần phức tạp hơn do: Mặt hàng thịt lợn cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng và đặc thù thói quen tiêu dung thịt lợn nóng của người dân và việc tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh.

Giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm: Một là chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Theo đó, chuỗi cung ứng thịt lợn ở nước ta tồn tại nhiều hình thức: cơ sở chăn nuôi/ doanh nghiệp chăn nuôi; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, người bán lẻ, người tiêu dùng; doanh nghiệp chăn nuôi, đại lý cấp 1, 2; lò mổ, bán buôn, bán lẻ, người tiêu dùng. Qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8- 10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng thì những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận tương đương. Theo đó, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 65.000-70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg. Như vậy, có thể thấy giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng theo cơ chế thị trường và không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao.

Để giảm tối đa khâu trung gian thì cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung, đồng

thời phải nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; hạn chế tối đa việc thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới.

Theo TS Cấn Văn Lực, khâu trung gian không thể "ăn" chênh lệch quá nhiều. Bởi trên thực tế đã có tình trạng đơn vị thu mua đã ép giá nông dân, trong khi họ luôn là người yếu thế. Ông Lực đề cập đến vấn đề đạo đức kinh doanh, bên cạnh đó cũng cần có chế tài để xử lý. Đặc biệt, việc xử lý này phải công khai, minh bạch để người tiêu dùng biết được khâu nào đã khiến giá hàng hóa đội lên cao, từ đó có biện pháp xử lý đúng và trúng.

Các chuyên gia cho rằng, để hàng hoá hạ nhiệt nhanh chóng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan, nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh... mà nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vẫn đang tính toán gộp luôn vào giá thành sản phẩm.

Bộ Tài chính cũng vừa cho biết, sẽ tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá. Với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/gia-xang-dau-giam-manh-gia-hang-hoa-van-cao-i664143/

Lưu Hiệp / Công an nhân dân