Giá xăng dầu 2023: Tăng nóng hay hạ nhiệt?

Giới chuyên gia dự đoán giá dầu thế giới 2023 tiếp tục diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu ý kiến: "Dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế".

Ông Long phân tích, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi đó, ngành năng lượng thế giới đang có nhiều biến động do chịu tác động từ nhiều yếu tố như các lệnh cấm vận và chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga, nguồn cung dầu thiếu hụt, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, xung đột Nga - Ukraine...

Chuyên gia Chứng khoán VnDirect nhận định mặc dù bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng do USD mạnh hơn, chính sách zero-COVID-19 của Trung Quốc và khủng hoảng Nga – Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu thô, nhưng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023. Động lực đến từ lệnh cấm vận của EU sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm trong 2023 và OPEC+ phát đi tín hiệu rằng nhóm sẽ luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu.

"Do đó, chúng tôi kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong 2023", báo cáo VnDirec nêu.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng dự đoán giá dầu năm tới không dễ do có quá nhiều yếu tố chi phối. Tuy vậy, điểm chung là thị trường xăng dầu sẽ diễn biến khó lường, nên nhà điều hành cần có kịch bản khác nhau để ứng phó. Bởi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, vì đây là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng theo, áp lực rất lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp, sức mua của thị trường, đời sống người dân.

Trong bối cảnh giá xăng dầu được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để ổn định giá, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng ngoài điều chỉnh chính sách thuế, phí... cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, không để tình trạng thao túng, găm hàng, trục lợi. Bên cạnh đó cần nhanh chóng xây dựng nguồn dự trữ quốc gia đủ lớn để có thể bình ổn thị trường khi gặp biến động mạnh. 

"Việc dự trữ xăng dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng doanh nghiệp. Nếu không có dự trữ đủ lớn thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia quá mỏng", ông Long nói.

Hai kịch bản phân giao tổng nguồn xăng dầu 2023

 

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với các bài học điều hành, quản lý vừa qua, cần có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Trước nhu cầu thực tế của nền kinh tế, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023.

Theo đó, kịch bản 1, tỉ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc phân giao này phải căn cứ kế hoạch sản xuất của nhà máy trong nước, nhất là kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo phản ánh những chi phí thực tế phát sinh để cập nhật với Bộ Tài chính.

Về nguồn cung xăng dầu, dự báo thị trường xăng dầu năm 2023 vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, từ cuối tháng 11, Bộ Công Thương đã họp bàn cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lên kịch bản chuẩn bị nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cho năm sau. 

"Năm 2023 Bộ Công Thương sẽ quản lý theo hệ thống, áp dụng công nghệ số để quản lý từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối, đến từng cửa hàng bán lẻ để kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh dầu hiệu quả hơn", ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Không lo thiếu xăng dầu dịp Tết Nguyên đán 2023

Tại hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho hay đến nay Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu Dung Quất đều đã sản xuất bình thường và đáp ứng được hợp đồng kinh tế với thương nhân đầu mối. Cộng thêm nguồn nhập khẩu được các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng hạn ngạch được phân giao, đến nay cơ bản nguồn hàng được đảm bảo.

Về công tác chuẩn bị nguồn hàng cho Tết, ông Khanh nói qua các kênh thông tin, việc tổ chức bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu vào dịp Tết sẽ được duy trì bán hàng bình thường. Một số cửa hàng đã có báo cáo và xin nghỉ bán hàng trong đêm và sáng mùng 1 Tết âm lịch nhưng sẽ mở cửa sau 11h. Đồng thời, các đơn vị cũng đã có phương án đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho khách hàng chơi Tết.

Đánh giá tình hình thị trường, ông Khanh cho biết hiện nay không còn tình trạng người dân phải xếp hàng ở tất cả cửa hàng xăng dầu. Thậm chí có những cửa hàng thời điểm vừa qua bán hàng tăng trưởng đến 70%. Tuy vậy, ông Khanh đề xuất vẫn cần phải quan tâm chăm lo nguồn hàng, tạo thuận lợi về vận chuyển.

https://vtc.vn/gia-xang-dau-2023-tang-nong-hay-ha-nhiet-ar724170.html

HÒA BÌNH / VTC News