Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh trong quý I/2022

Giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV-2021. Giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tăng 1-3% so với quý IV-2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm (thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm). Thị trường xi măng cung vượt cầu ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như: Than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng song giá than tăng mạnh. Trong quý I-2022, giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tăng 1-3% so với quý IV-2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.
5332_at9_Copy
Ảnh minh họa

Về cát, đất đắp, đá xây dựng: trong 2 tháng đầu năm, giá đất đắp và cát, đá xây dựng không có biến động nhiều, chủ yếu do các công trình xây dựng đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang chuẩn bị khởi công và các công trình khác đang tái khởi động lại sau dịch Covid-19.

Giá đất đắp trung bình tại các mỏ là 35.000-40.000 đồng/m3, giá cát trung bình đến hiện trường công trình là 337.000 đồng/m3, giá đá trung bình đến hiện trường công trình là 224.000 đồng/m3. Tuy nhiên, hiện nay giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, dự báo trong quý II-2022 và trong thời gian tới sẽ có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.

Giá thép xây dựng trong nước quý I-2022 có xu hướng tăng mạnh trước ảnh hưởng thị trường thép thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Giá thép xây dựng trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh (từ 600-1.200 đồng/kg). Tính đến ngày 14-3-2022, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng 2-2022 và tháng 1-2022 là 3,5% và 7,5%. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu. Giá than trong nước hiện tăng bình quân 7 – 10%. Nhiên liệu này chiếm 40 – 45% giá thành sản xuất xi măng. Do đó, nhiều doanh nghiệp xi măng đã phải điều chỉnh tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Sự tăng giá mạnh của các mặt hàng vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến các nhà thầu, khiến nhiều dự án xây dựng bị chậm tiến độ, tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản.

 

PV (tổng hợp) / Theo Nghề nghiệp và cuộc sống