Giá vàng thế giới tuần 30/6-4/7 tăng 1,5% lên 3.337 USD/ounce do đồng USD suy yếu và nỗi lo về thuế quan cùng nợ công Mỹ tăng cao. Trong nước, vàng miếng SJC tăng 1,4 triệu đồng/lượng, nhưng có nguy cơ giảm sâu.
Giá vàng tăng trở lại
Trong tuần 30/6-4/7, giá vàng thế giới phục hồi nhẹ, tăng khoảng 50 USD (1,5%), đóng cửa ở mức 3.337 USD/ounce vào rạng sáng 5/7.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong tuần đầu tháng 7 chủ yếu do đồng USD suy yếu, chỉ số DXY giảm từ 97,25 điểm xuống dưới 97 điểm. Đồng thời, những tín hiệu bất ổn địa chính trị và kinh tế, đặc biệt là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đơn phương áp thuế đối ứng lên nhiều nước từ ngày 9/7, đã củng cố vai trò trú ẩn an toàn của vàng. Cuộc chiến thương mại có nguy cơ leo thang được xem là yếu tố hỗ trợ giá vàng.
Ngoài ra, siêu luật “One Big Beautiful Bill Act” (3B), với các khoản cắt giảm thuế và chi tiêu quốc phòng lớn, có thể kích thích lạm phát, làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ giá vàng. Những yếu tố này tạo động lực cho giá vàng giao ngay tăng gần 11 USD trong phiên cuối tuần.
Trong nước, giá vàng miếng SJC trong tuần đã tăng khoảng 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Còn giá vàng nhẫn tăng khoảng 700.000 đồng/lượng chiều mua.

Tỷ giá USD/VND tăng từ 26.270 lên 26.350 VND/USD, với mức đỉnh trong tuần (cũng là đỉnh cao kỷ lục) đạt 26.345 VND/USD, cũng góp phần đẩy giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới.
Trong tuần mới (7-11/7), giá vàng thế giới được dự báo có thể tiếp tục tăng, nhưng triển vọng không đồng nhất giữa các nhóm nhà đầu tư.
Các chuyên gia và nhà đầu tư lớn trên Phố Wall tỏ ra phân vân, với 36% nhà phân tích dự đoán giá vàng tăng, 28% cho rằng giảm và 36% dự báo đi ngang. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Phố Main lạc quan hơn, với 59% kỳ vọng giá vàng tăng do lo ngại về nợ công Mỹ và lạm phát.
Siêu luật 3B, với các khoản cắt giảm thuế và chi tiêu quốc phòng lớn, có thể kích thích lạm phát, làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ giá vàng.
Vàng SJC đối mặt nguy cơ giảm sâu
Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng phản bác các dự báo tiêu cực về nợ công, cho rằng nguồn thu từ thuế quan và tăng trưởng kinh tế sẽ bù đắp thâm hụt. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nhấn mạnh lợi ích từ giảm thuế thu nhập và cải cách phúc lợi xã hội, dự kiến thúc đẩy kinh tế Mỹ. Nếu những chính sách này kích thích tăng trưởng mà không gây lạm phát mạnh, giá vàng có thể chịu áp lực giảm.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2025, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 27%, một mức tăng ấn tượng và làm dấy lên lo ngại về khả năng chốt lời. Với mức giá hiện tại quanh 3.337 USD/ounce, vàng đang giao dịch gần đỉnh lịch sử sau 2 năm bùng nổ, khiến một số nhà đầu tư cân nhắc chuyển dòng tiền sang các tài sản khác như chứng khoán Mỹ, trái phiếu, bạc, hoặc tiền số.
Chứng khoán Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, nhờ kỳ vọng kinh tế tăng trưởng mạnh và các chính sách kích thích của chính quyền ông Trump. Hôm 2/7, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng nhau lập kỷ lục mới sau khi Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng do thuế quan và chi tiêu ngân sách, vàng vẫn sẽ là kênh trú ẩn hấp dẫn.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng là yếu tố quyết định. Việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hoặc tháng 9 có thể thúc đẩy lạm phát và hỗ trợ vàng, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ kéo dòng tiền về cổ phiếu, gây áp lực giảm giá vàng.
Tình hình Trung Đông ổn định hơn sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran làm giảm nhu cầu trú ẩn vào vàng. Tuy nhiên, rủi ro thương mại từ chính sách thuế quan của ông Trump, đặc biệt với Nhật Bản và các nước khác, vẫn là yếu tố hỗ trợ vàng.
Trên thực tế, các yếu tố này có xu hướng triệt tiêu nhau, khiến giá vàng có xu hướng biến động với biên độ hẹp dần, quanh ngưỡng 3.320-3.350 USD/ounce trong khoảng 5 tuần qua.
Trong nước, giá vàng chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới và nhiều yếu tố khác, gồm cả tỷ giá USD/VND và các chính sách đối với thị trường vàng. Đề xuất sửa đổi Nghị định 24 của Ngân hàng Nhà nước theo hướng bỏ độc quyền và ngân hàng, doanh nghiệp được nhập khẩu vàng theo hạn mức... dự kiến hoàn tất và trình Chính phủ trước 15/7, có thể tác động mạnh đến thị trường vàng.
Nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp từ 13-14 triệu xuống còn 5 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh giá thế giới giảm, vàng miếng SJC có thể lao dốc. Dù vậy, biến động còn phụ thuộc vào nguồn cung tăng thêm và việc người dân có đẩy mạnh bán vàng ra không.
Theo dự báo của đa số chuyên gia và nhà đầu tư, giá vàng thế giới tuần 7-11/7 có thể tăng nhẹ do lo ngại lạm phát và bất ổn thương mại, nhưng rủi ro chốt lời và dòng tiền dịch chuyển sang chứng khoán có thể hạn chế đà tăng. Trong nước, vàng miếng SJC trong trung hạn đối mặt biến động lớn nếu nguồn cung tăng sau sửa đổi Nghị định 24.
https://vietnamnet.vn/gia-vang-truoc-dien-bien-moi-du-bao-vang-mieng-sjc-sap-toi-ra-sao-2418761.html