Giá vàng tiếp tục suy giảm trước sức ép của đồng USD. Thị trường đang chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ, nếu nó vượt quá kỳ vọng, Fed có thể thắt chặt thêm chính sách tiền tệ và điều này sẽ tiếp tục tàn phá vàng.
Sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng giảm nhưng mức giảm tương đối thấp. Thương hiệu vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh giảm thêm 50 nghìn đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua, tuy nhiên so với đầu giờ giao dịch sáng qua thì mức giá hôm nay là tương đương, tại 67,60 - 68,20 triệu đồng/lượng (TP.HCM); 67,60 - 68,22 triệu đồng/lượng (Hà Nội).
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác về cơ bản vẫn giữ mức giá giao dịch ngang bằng phiên hôm qua, quanh 67,55 - 68,15 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá vàng trong nước gần như đứng im thì vàng thế giới vẫn tiếp tục trượt giảm. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng theo cập nhật của Kitco, đã giảm thêm 7,7 USD mỗi ounce, xuyên thủng ngưỡng 1.730 điểm và chốt phiên tại 1.727,6 USD/ounce.
Với diễn biến không đồng điệu này, vàng trong nước nới thêm mức chênh lệch với vàng thế giới lên hơn 19 triệu đồng mỗi lượng đối với thương hiệu SJC.
Hiện giá vàng thế giới đã đạt mức thấp nhất 8,5 tháng qua. Chỉ số đô la Mỹ tiếp tục “tấn công” các đồng tiền chính trên thế giới và đó vẫn là một yếu tố chính tàn phá thị trường hàng hóa, trong đó có kim loại quý.
Một sự kiện quan trọng đối với đồng đô la Mỹ mà các nhà phân tích đang theo dõi là việc nó có thể chuyển sang ngang giá với đồng euro. Đồng euro là thành phần lớn nhất trong rổ các đồng tiền tệ của chỉ số đô la Mỹ. Đơn vị tiền tệ này đang giao dịch ở mức thấp nhất so với đô la Mỹ trong vòng 20 năm và nhiều nhà phân tích tiền tệ kỳ vọng rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nó giảm xuống ngang bằng với đô la Mỹ.
Khi đồng đô la Mỹ tăng cao hơn so với đồng euro, một số nhà phân tích cảnh báo các nhà đầu tư không nên xem nhẹ môi trường giá cả hiện tại.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Mọi thứ đều đang phải chịu tác động của sức mạnh đồng đô la Mỹ. Mọi người đều tin rằng Fed sẽ có thể kiểm soát lạm phát, vì vậy đô la Mỹ là đồng tiền được ưa chuộng trên thế giới. Tôi có một số nghi ngờ, nhưng cho đến khi có lý do để không tin rằng Fed có thể làm giảm lạm phát, các nhà đầu tư cũng không có lý do để giữ vàng ngay bây giờ".
Hansen cho biết ông đang theo dõi xem liệu giá vàng có thể giữ mức hỗ trợ quan trọng trong dài hạn ở mức 1.675 USD/ounce hay không. Ông cho rằng đó là mức thấp hợp nhất kể từ năm 2020.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Hoa Kỳ, được công bố vào thứ Tư tuần này. Chỉ số này được dự báo sẽ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong báo cáo tháng 5, CPI đã tăng 8,6% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng lạm phát có thể tăng lên 9% trong tháng 6, buộc Fed phải thực hiện các biện pháp thậm chí mạnh tay hơn trong cuộc họp vào cuối tháng này. Điều này sẽ tiếp tục đè nặng lên giá vàng.
Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXM cho biết kim loại quý đã bị bóp nghẹt bởi đồng đô la tăng giá và kỳ vọng về việc Fed sẽ duy trì lập trường tích cực đối với lãi suất cao hơn. “Vàng có thể bị giảm giá nếu báo cáo CPI của Mỹ đáp ứng hoặc vượt quá kỳ vọng của thị trường. Nếu giá có thể giảm qua mức 1.700 USD, mức quan tâm chính tiếp theo có thể được tìm thấy ở mức 1.680 USD".
Còn Hansen thì cho rằng trước khi giá vàng có thể ổn định, đà tăng của đồng đô la Mỹ sẽ phải chấm dứt. Điều này sẽ không xảy ra cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang thay đổi quan điểm tích cực về lãi suất.