Theo Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 - 7% và đã được kiểm soát với biên độ phù hợp.
Thị trường vàng đã ổn định trở lại
Báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, Quốc hội khóa XV, lĩnh vực ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 ngày 20/3/2024 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
|
Giá vàng miếng SJC đã tiến sát mốc 90 triệu đồng/lượng. Ảnh: Mai Anh |
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật;
Sáng ngày 22/10, giá vàng miếng SJC được Doji và SJC và các ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra, tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng và lập kỷ lục mới khi chạm ngưỡng 87,1 triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 86,1 - 87,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Như vậy, kỷ lục 87 triệu đồng/lượng của giá vàng nhẫn vừa lập hôm qua thì đến nay đã bị phá đổ.
Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường vàng.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17/5/2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp đã kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.
Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát, duy trì với biên độ phù hợp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 - 7%. Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Chưa thể xóa bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Liên quan đến nhiệm vụ “Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”, nhà điều hành cho biết, từ năm 2023 về trước, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng tổ chức tín dụng.
Riêng nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tăng trưởng tín dụng theo kiểm soát tín dụng tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô tín dụng nhỏ được tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch ngân hàng xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động của nhóm ngân hàng này.
Gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn rất lớn. Ảnh: Mai Anh |
Trên cơ sở đó, ngay từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 để hỗ trợ tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án kinh doanh. Đồng thời, đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng (không hạn chế chỉ tiêu tăng trưởng với nhóm này) để phù hợp đặc thù, quy mô tín dụng.
Do đó, để tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tháng 8/2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo một số nhóm các tổ chức tín dụng được chủ động tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Các tổ chức tín dụng này bao gồm: Ngân hàng liên doanh, hợp tác xã, một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Tuy nhiên, nhà điều hành cho biết, đến nay, chưa thể chấm dứt hoàn toàn biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vì trong bối cảnh gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn rất lớn.
“Nếu để tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ lụy như giai đoạn 2011 có khả năng lặp lại, gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát gia tăng, đồng thời rủi ro nợ xấu tăng cao, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng” - Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Trong khi đó, hệ thống tổ chức tín dụng còn đang trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, từng bước nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế. Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết khi có đủ biện pháp kiểm soát, thay thế phù hợp và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.