Giá thịt lợn tăng cao: Có hiện tượng găm hàng?

Sản lượng thịt lợn chỉ giảm 8,2 nên thực tế không phải khan hiếm, giá tăng là do nhiều hộ chăn nuôi đang cố tình găm hàng đợi giá lên cao rồi bán.

Khoảng hơn hai tuần nay giá lợn hơi tăng cao, có thời điểm lên tới 68.000 đồng/kg. Tuy đang có xu hướng giảm nhẹ về mức 60.000 đồng/kg nhưng vẫn có nhiều dự báo cho rằng giá thịt lợn hơi có thể đạt mức 70.000 đồng/kg. 

Chợ dân sinh tăng mạnh, siêu thị bình ổn

Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt nạc vai lợn được bán từ 112.000 đồng/kg đến 115.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 115.000 đồng/kg đến 117.000 đồng/kg, các loại thịt khác đều có mức giá cao hơn từ 15%-20% so với thời điểm hai tuần trước.

Hiện tại giá nhập xô là 84.500 đồng/kg, sau đó xẻ ra bán nếu dưới 113.000 đồng/kg là tôi sẽ không có lãi. Mọi người cứ tưởng giá thịt lợn tăng thì chúng tôi lãi nhiều hơn nhưng thực tế không phải vì giá nhập cũng tăng lên, trong khi đó, người dân khi thấy giá quá cao sẽ ăn ít đi hoặc chuyển sang các loại thực phẩm thay thế. Chính vì vậy số lượng hàng bán được thậm chí chỉ bằng một nửa trước đây”, chị Lê Thị Anh – tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thành Công chia sẻ.

Giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua khiến thị trường nhiễu loạn. (Ảnh minh họa)

Tại các siêu thị, giá sườn sụn lợn được bán ở mức 238.000 đồng/kg, nạc lưng có giá 169.000 đồng/kg, thịt ba chỉ: 169.900 đồng/kg, thịt chân giò: 119.000 đồng/kg, thịt thăn giá 178.000 đồng/kg….

Tại hệ thống cửa hàng thịt đông lạnh Meat Deli, ba chỉ giá 134.900 đồng/kg, thịt vai 107.900 đồng/kg, thịt đùi 96.900 đồng/kg, nạc đùi 98.900 đồng/kg, nạc thăn 127.900 đồng/kg, nạc dăm có giá 145.900 đồng/kg…

Như vậy, trái ngược với mức tăng giá mạnh tại các chợ truyền thống, các mặt hàng thịt lợn trong siêu thị chỉ tăng nhẹ từ 5-10%.

Nhiều khách hàng chuyển sang lựa chọn các món thay thế như gà, trứng, vịt....

Đại diện siêu thị Lottemart cho biết, giá thịt lợn trong hệ thống siêu thị này không tăng so với hồi đầu tháng 10 do đơn vị kí kết hợp đồng dài hạn về đảm bảo nguồn hàng và giá bán.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó TGD Công ty Vissan (TP HCM) chia sẻ: "Mặc dù giá đầu vào có tăng nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng không tăng giá nhiều và chấp nhận bù lỗ để bình ổn giá bán trên thị trường, không làm thị trường nhiễu loạn trong thời gian này". 

Có hiện tượng găm hàng?

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, giá lợn hơi tăng nhanh nguyên nhân cơ bản là do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Dương, sản lượng thịt lợn đã giảm 8,2%. Thịt lợn vẫn chiếm cơ cấu cao trong bữa ăn của người Việt, lượng cung giảm khiến thị trường có sự biến động.

Tuy nhiên theo ông Dương, sản lượng thịt chỉ giảm 8,2% nên thực tế không phải khan hiếm, giá tăng là do nhiều hộ chăn nuôi cố tình găm hàng đợi giá lên cao rồi bán. Ngoài ra, còn có hiện tượng bán lợn sang Trung Quốc để kiếm lời.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở nhiều địa phương, tổng đàn lợn sụt giảm nghiêm trọng. Tại Bắc Giang, gần 25% tổng đàn với 272.361 con lợn bị tiêu hủy. Trong khi đó, ở Đồng Nai, tính đến đầu tháng 9/2019, tổng đàn lợn đã giảm 40% so với thời điểm tháng 4/2019. Thời điểm quý I/2019, Đồng Nai có đàn lợn khoảng 2,5 triệu con.

Ngoài ra, ông Dương cũng nhận định, việc các địa phương e ngại tái đàn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn cung sụt giảm. “Có cả trường hợp nhiều cơ sở đã qua 30 ngày theo quy định, hoặc các cơ sở nằm trong vùng dịch nhưng không xảy ra dịch và đảm bảo an toàn sinh học. Giải pháp cấp bách hiện nay là tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn để chủ động nguồn thực phẩm, tránh sự thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Dương cho biết.

Thịt lợn bẩn ở Lào Cai, “quá tam ba bận” vào bếp ăn nhà trẻ?
Việt Nam tiêu hủy 5,6 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi
Không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc
/ vtc.vn