Gia tăng trữ lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của bất kỳ một công ty dầu khí nào trên thế giới, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng vậy. Gia tăng trữ lượng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của PVN, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí đang gặp nhiều khó khăn. Giải pháp nào để cải thiện tình hình?
Bài 1: Hiện hữu nhiều thách thức
Suy giảm sản lượng khai thác
Dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và tiềm năng dồi dào, là nguồn thu hàng đầu cho Ngân sách Nhà nước. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô 4,4 tỉ thùng, tức 0,3% trữ lượng dầu được phát hiện của thế giới, cao thứ 2 tại khu vực Đông Á, thứ 3 châu Á, thứ 28 trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam xếp thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác dầu thô và xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ.
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ
Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí trên toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỉ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỉ m3. Hằng năm, lĩnh vực khai thác dầu khí đóng góp khoảng 36% tổng doanh thu, 60,5% tổng số nộp ngân sách Nhà nước của toàn PVN.
Mặc dù nguồn dầu mỏ được dự báo còn nhiều tiềm năng nhưng quá trình thăm dò, khai thác lại đang gặp rất nhiều trở ngại. Theo báo cáo của PVN, năm 2018, gia tăng trữ lượng dầu khí vẫn đạt được 12 triệu tấn quy dầu (kế hoạch 10-15 triệu tấn). Gia tăng trữ lượng dầu khí tuy đạt kế hoạch đề ra song đây vẫn là năm thứ 3 liên tiếp, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí gặp nhiều khó khăn. Nếu so với mục tiêu chiến lược phát triển mà ngành Dầu khí đề ra ở trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì thực tế gia tăng trữ lượng đạt thấp hơn nhiều.
Sau hơn 30 năm khai thác, sản lượng dầu thô (kể cả mỏ Bạch Hổ) đang giảm mạnh. Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đòi hỏi vươn ra khu vực nước sâu, xa bờ, do đó chi phí cao hơn, công nghệ phức tạp hơn nhiều. Những mỏ dầu được phát hiện gần đây của Việt Nam có xu hướng nhỏ hơn và nằm ở những khu vực có các điều kiện địa chất, địa lý phức tạp và ở những vùng nước sâu, khó tiếp cận. Để khai thác hiệu quả các mỏ này, cần nghiên cứu, áp dụng hệ thống khai thác theo quan điểm “thiết bị/giàn tối thiểu” với các kiểu giàn nhẹ đầu giếng và một tàu nổi có công suất thích hợp cho chứa, xử lý, xuất dầu; đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu sau khi đã khai thác thứ cấp, đặc biệt đối với các đối tượng móng nứt nẻ trước Đệ Tam của các mỏ dầu ở bể Cửu Long đang là vấn đề cực kỳ cấp thiết khi sản lượng các mỏ này bắt đầu suy giảm nhanh.
Theo PVN, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hằng năm, bảo đảm sự phát triển bền vững của PVN vẫn là thách thức vô cùng lớn. Tiềm năng dầu khí còn lại được đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về chính trị, đầu tư lớn, rủi ro cao. Thực tế, công việc khai thác tại các mỏ dầu khí chủ lực hiện đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng hoặc có độ ngập nước cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông...
Hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác đang ở mức báo động (0,54 lần). Trong khi giai đoạn 2011-2015 hệ số này đạt 1,5 lần - mức an toàn để phát triển bền vững; sang năm 2016 chỉ đạt 0,65 lần; riêng năm 2017 còn 0,17 lần - mức báo động nghiêm trọng. Trước đây, hằng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, đầu tư 2-2,5 tỉ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Từ năm 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài cho tìm kiếm, thăm dò chỉ khoảng 400-500 triệu USD, giảm 5 lần so với trước.
Đã qua giai đoạn khai thác đỉnh
Các phát hiện dầu khí giai đoạn gần đây phần lớn có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến số lượng công trình khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng rất ít. Trong hai năm 2017-2018, chỉ có 3 mỏ, công trình mới được đưa vào khai thác (năm 2017 đưa mỏ Thỏ Trắng của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vào khai thác; năm 2018 đưa 2 mỏ vào khai thác là Bunga Pakma và Phong Lan Dại).
Trước đây, hằng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, đầu tư 2-2,5 tỉ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Từ năm 2015 trở lại đây, đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò chỉ khoảng 400-500 triệu USD, giảm 5 lần so với trước |
TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cho hay, hiện nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng cho PVN sau 20-30 năm khai thác như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây cung cấp trên 500 triệu tấn dầu quy đổi đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác đang suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ tận thu hồi dầu, khoan bổ sung để tận khai thác, trong khi các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn và vướng mắc các thủ tục đầu tư.
Hiện hệ số suy giảm sản lượng hằng năm tùy theo mỏ khoảng từ 15% tới trên 30%. Riêng đối với lô 09-1, do số lượng giếng khoan đan dày mới nhiều, nên hệ số suy giảm sản lượng chỉ khoảng 2,4%. Ngoài ra, do độ ngập nước tại các giếng đang khai thác cao, giới hạn về công suất của hệ thống thiết bị xử lý nước, một số mỏ có hiện tượng tạo muối và paraffin trong lòng giếng, có hiện tượng cát xâm nhập… nên khả năng khai thác ngày càng giảm.
Trước tình hình đó, việc đưa các mỏ nhỏ, cận biên vào khai thác được xem là một trong các giải pháp hạn chế mức độ suy giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, để phát triển các mỏ nhỏ cận biên cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý kinh tế để nâng cao hiệu quả dự án và đặc biệt phải có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư tập trung vào việc phát triển các mỏ nhỏ, cận biên trên thềm lục địa Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Cách đây không lâu, lãnh đạo của PVN đã bày tỏ sự lo ngại: Trữ lượng hiện có là kết tinh thành quả của bao năm qua, nếu nay không gia tăng được nữa cho mai sau, đó là lỗi lớn. Tất cả phải bắt đầu từ tìm kiếm, thăm dò. Thiếu thăm dò sẽ thiếu trữ lượng mỏ, không đủ dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, không cung cấp được khí cho các nhà máy điện, nguyên liệu khí cho các nhà máy phân đạm, đặc biệt là không có việc làm.
Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu quan trọng là phải gia tăng trữ lượng dầu khí. Thế nhưng, những năm gần đây, mục tiêu này không đạt được như kỳ vọng. Đây là mục tiêu mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của PVN và quy mô phát triển của nhiều lĩnh vực có liên quan như công nghiệp khí, công nghiệp chế biến, năng lượng, dịch vụ… Vì vậy, làm thế nào để đạt được mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí trong hiện tại và tương lai là vấn đề sống còn, hệ trọng của an ninh năng lượng quốc gia, sự phát triển ổn định của nền kinh tế.