Cứ vào thời điểm giáp Tết, các vụ việc, tai nạn liên quan tới pháo tự chế lại tiếp tục gia tăng để lại nhiều hậu quả khôn lường về tính mạng và sức khỏe. Thậm chí, có những trường hợp phải chịu thương tật suốt đời.
Chăm sóc nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Chiều 26-12, theo tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tại Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện vừa tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng internet để chơi.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam (16 tuổi ở Bắc Giang) vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân chơi pháo tự chế. Khi đang cầm pháo trên tay thì pháo nổ, làm nát bàn tay trái và chân phải. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện địa phương và được cấp cứu cầm máu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân (15 tuổi ở Nam Định), sau khi nghịch pháo cũng bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, lộ gân cơ…
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương kịp thời. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Hiện tại, cả 2 bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng…
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da. Thêm vào đó, hội chứng sóng nổ còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo nặng hay nhẹ thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo.
“Để hạn chế tai nạn đáng tiếc, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết. Do đó, gia đình cần giám sát việc xem các clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng của các em”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp lưu ý.
Từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca tai nạn do pháo nổ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho rằng, nguyên nhân xảy ra các tai nạn này chủ yếu là do vào mỗi dịp Tết, các bệnh nhân đều tự mua thuốc nổ về chế pháo. Do khoảng cách quá gần, khiến nạn nhân bị cụt tay, mù mắt, nát mặt...
“Người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Riêng với thanh, thiếu niên - đối tượng tò mò, dễ học theo bạn bè và các thông tin trên mạng, cùng với việc tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, nhà trường, gia đình, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.