Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nhập viện

Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng số ca mắc sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân nặng vào nhập viện tăng hơn so với tháng trước. Nếu như vào tháng 4 và 5 mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 ca nặng, thì nay tăng lên gấp đôi, thậm chí có ngày tiếp nhận 7-8 ca.

Người bệnh nền mắc COVID-19 nhập viện có xu hướng tăng

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 4/7, bệnh viện có 61 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó 18 bệnh nhân nặng, tăng hơn so với tháng 4, 5 và đầu tháng 6. Trong 18 bệnh nhân nặng có 2 ca phải thở oxy mask và 15 ca thở oxy, đều là người có bệnh nền.

ttxvn_tiem_vaccine_tre_em_binh_duong_2710.jpg -0

Miễn dịch sẽ suy giảm sau 6 tháng tiêm vaccine, người có bệnh nền cần tiêm mũi nhắc lại để phòng bệnh.

TS.BS Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus và ký sinh trùng cho biết, từ tháng 4 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bệnh nhân nhập viện giảm. Trong tháng 4 và tháng 5, trung bình khoa tiếp nhận 1-2 ca COVID-19 mỗi ngày, bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ chuyển nặng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến nay, bệnh nhân COVID-19 ở nhóm người cần đến cơ sở y tế vào nhập viện gia tăng, mỗi ngày khoa tiếp nhận 7-8 bệnh nhân. So với tháng trước, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi. Hiện nay, Khoa Viurs và ký sinh trùng đã gần như kín chỗ, thời gian trước số giường chỉ sử dụng gần một nửa. Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị, có tới 1/3 ca trở nặng.  Khi bước vào trạng thái bình thường mới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã trở về hoạt động khám chữa bệnh thường quy. Vì vậy, Khoa Hồi sức tích cực hiện có 20 giường hồi sức dành cho bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên ở thời điểm này, tại đây đang điều trị cho 17 trường hợp nặng. Nếu so với 1 tháng trước, số bệnh nhân nặng phải vào Khoa Hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi. Các bệnh nhân này đều có bệnh nền như ung thư, tiểu đường, béo phì, ghép tạng, suy giảm miễn dịch như HIV, suy tủy…

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội) thuộc Bệnh viện Đại học Y, nếu như trong tháng 4-5 lượng bệnh nhân phải nhập viện giảm mạnh, không còn bệnh nhân nặng, chỉ có thể trung bình, thì nay có hiện tượng tăng lên nhưng rất nhẹ. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nếu như thời điểm tháng 4-5 có ngày bệnh viện không tiếp nhận ca bệnh nào, thì 2 đến 3 tuần nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1-3 ca. Hiện, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2 ca phải thở oxy, còn lại là bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân vào nhập viện chủ yếu là bệnh nền cần phải nằm viện điều trị, không có ca tái nhiễm. Theo ghi nhận của phóng viên, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số ca mắc COVID-19 của Thủ đô vào nhập viện tăng, hầu hết là người mắc bệnh nền.

Biến thể phụ có thể tăng ca mắc, nên tiêm vaccine mũi nhắc lại

Theo TS Trần Văn Giang, hầu như các bệnh nhân COVID-19 vào nhập viện đều tiêm 2 đến 3 mũi vaccine, chưa có người bệnh nào tiêm mũi 4. Tương tự, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cũng cho biết, tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, bệnh nhân vào nhập viện cũng chỉ tiêm vaccine mũi 2 và 3. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là nhóm cao tuổi, có bệnh nền và người suy giảm miễn dịch để khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.

Theo Bộ Y tế, tốc độ gia tăng ca mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.

Trên thế giới, theo số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2. Biến thể phụ BA.5 khiến nhiều nước tăng số ca COVID-19, lo ngại làn sóng dịch mới. Tại châu Âu,  biến thể phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây ra khoảng 50% số ca mắc mới COVID-19 ở Đức. Biến thể phụ BA.5, BA.4 cũng đang lây lan tại Anh, nơi các mô hình dự báo tình hình dịch bệnh cho thấy số ca mắc mới tăng khoảng 80% trong 3 tuần gần nhất.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu tăng số ca mắc thì nguy cơ hệ thống y tế quá tải, lúc đó sẽ tăng ca nặng và tăng tử vong. Sở dĩ thời gian qua, số ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu là ca mắc giảm, độ bao phủ vaccine cao nên bệnh nhẹ hơn. Nhưng miễn dịch của vaccine sau 6 tháng sẽ giảm đi, nên người có bệnh nền, người cao tuổi không tiêm vaccine mũi nhắc lại khi mắc bệnh sẽ nặng hơn.

Còn theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thì cho biết, có người cho rằng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3. Chắc chắn khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Chuẩn hóa hơn nữa là tiêm vaccine mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4. Người ta thấy rằng đối với người bị mắc mà tiêm mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4, so với những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vaccine lâu dài hơn, cao hơn. Có nghĩa là, hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới.

Để ứng phó với biến thể phụ BA.5 xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đẩy nhanh tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19 để chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh. Các cơ sở điều trị cần đảm bảo năng lực thu dung, chủ động sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong.

https://cand.com.vn/y-te/gia-tang-benh-nhan-covid-19-nhap-vien-i659211/

Trần Hằng / Công an nhân dân