Giá sầu riêng phi mã, nguy cơ tăng mất kiểm soát: Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, ngành sầu riêng cần giải quyết được vấn đề "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ".

Đặc biệt theo ông Hoan, tư duy này phải được "đắp nền" với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây thì đã không thể kiểm soát được nữa.

Nhận định trên được ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - nêu ra tại Diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam, do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 11/9.

Với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD, năm nay sầu riêng chính thức trở thành “trái cây tỷ USD” của Việt Nam. Đáng chú ý, khi mở cửa được thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất là Trung Quốc, từ tháng 9/2022 đến nay, giá sầu riêng của Việt Nam tăng vọt và neo ở mức cao. Tại các vùng trồng, chi phí sản xuất 1kg sầu riêng chỉ 20.000 đồng, nhưng giá hiện lên mức 50.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại, nông dân thu lãi khủng.

Theo các chuyên gia, giá sầu riêng đang có nguy cơ tăng mất kiểm soát. Hiện tượng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc sầu riêng đang tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Nhìn nhận về thực trạng này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi vừa ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, ông đã hình dung được câu chuyện sau đó, lường trước được những khó khăn. Và câu chuyện sầu riêng, chanh dây…hiện cũng đang vào giai đoạn khó khăn.

"Câu chuyện sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trước đó, có rất nhiều ngành hàng tiềm năng như vú sữa Lò Rèn…xuất khẩu sang Mỹ rất háo hức nhưng đã rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham dự và chủ trì Diễn đàn. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham dự và chủ trì Diễn đàn. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Bộ trưởng Hoan cũng khẳng định, để tạo nên một ngành hàng sầu riêng phát triển, doanh nghiệp cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Phải tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau.

"Phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Đồng thời, phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây thì đã không thể kiểm soát được nữa", ông Hoan nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn, nhận định về thực trạng tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, sầu riêng đã tăng trưởng "nóng" suốt mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vấn đề là ngành hàng của chúng ta đã đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines nên cần có cách ứng phó phù hợp. “Không thể chỉ nhìn vào chất lượng, sản lượng sầu riêng của Việt Nam để vội mừng”, ông Toản nói.

 

Đề xuất giải pháp, ông Toản kêu gọi phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

Nói về "những nút thắt" của ngành sầu riêng, theo ông Toàn, đó là tăng trưởng nóng; cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, đạo đức kinh doanh; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu; nguồn nhân lực, quy trình chuẩn.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc. 8 tháng đầu năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển.

Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường lớn nhất và gần như cũng có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng. Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký vào tháng 7/2022 và đến tháng 9/2022 đã xuất khẩu lô đầu tiên tại Đắk Lắk. Cho đến nay đã có 1 năm để triển khai.

Giá sầu riêng đang có nguy cơ tăng mất kiểm soát. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)

Giá sầu riêng đang có nguy cơ tăng mất kiểm soát. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)

Sắp tới đây Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ - một thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy nghĩa là sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường”, bà Hương nói thêm.

Việt Nam hiện có hơn 112.000 ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Tổng sản lượng hiện nay khoảng 900.000 tấn.

Sau khi được Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết…đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Từ đó dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này nguy cơ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mới đây nhất, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc một số lô chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Trong danh sách này có 74 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng xuất khẩu; có 47 mã số bị đề nghị thu hồi.

Trong đó có nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, thanh long, chuối…đều là những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Vì vậy, Cục đã có động tác tạm dừng khai thác những mã số này để yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương phải làm rõ nguyên nhân vi phạm quy định, qua đó đưa ra giải pháp khắc phục, khi nào hoàn thành xong sẽ tiếp tục được xuất khẩu trở lại”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin với VTC News.

 Giá sầu riêng phi mã, nguy cơ tăng mất kiểm soát: Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì? (vtc.vn)

Đào Bích / VTC News