Do sách giáo khoa (SGK) là mặt hàng thiết yếu với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, do đó, việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK là khoản kinh phí lớn và tác động trên diện rộng, thậm chí tác động đến CPI trên cả nước.
Trong báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có đánh giá tác động của giá SGK đến chỉ số CPI năm 2024. Ước tính giá SGK giảm góp phần làm cho CPI năm 2024 giảm khoảng 0,01 điểm phần trăm.
Đối với SGK các lớp: 5, 9, 12 mới áp dụng từ năm học 2023-2024, theo ý kiến của Tổng cục Thống kê, phương án giá SGK đối với các lớp học này, các Nhà xuất bản góp phần làm tăng chỉ số CPI từ 0,01-0,04 điểm phần trăm.
Năm học 2024-2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) thực hiện điều chỉnh giảm giá bán SGK tái bản (từ lớp 1 đến lớp 11) so với năm trước. Mức giảm bình quân là 9,6-11,2% tuỳ từng bộ sách. Đồng thời xây dựng giá bán SGK các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên) theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.
Đối với SGK các lớp 5, 9, 12, NXBGDVN đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.
Giá SGK các lớp đã được NXBGDVN hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống NXBGDVN để có giá SGK ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và giáo viên, đảm bảo an sinh xã hội.
Lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, SGK từ lớp 1 đến 12 sẽ được giảm giá khoảng 10-24% trong năm học mới này, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh.
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 7 tăng 0,02% so với tháng trước, trong đó giá sản phẩm từ giấy tăng 0,4%; bút viết các loại tăng 0,15%; sách giáo khoa tăng 0,05%.
Bộ Tài chính cho biết, trước đây giá SGK được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Giá năm 2012 và văn bản hướng dẫn. Theo các quy định này, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá SGK do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vừa qua, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá số 16/2023/QH15 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024, trong đó, SGK được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, SGK sẽ được định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Do SGK là mặt hàng thiết yếu với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, do đó, việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK là khoản kinh phí lớn và tác động trên diện rộng; dù thay đổi giá một cuốn SGK không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn.