Cầm hóa đơn trên tay, trưởng phòng hỏi: “Ủa chú không gửi giá à?”. Chúng tôi quay lại nhà hàng lấy thêm hóa đơn mới, số tiền ghi trên đó gấp ba lần số chi thực tế cho bữa tối qua.
Cầm hóa đơn trên tay, trưởng phòng hỏi: “Ủa chú không gửi giá à?”. Chúng tôi quay lại nhà hàng lấy thêm hóa đơn mới, số tiền ghi trên đó gấp ba lần số chi thực tế cho bữa tối qua.
Đó là lần đầu tiên tôi biết đến kỹ năng "gửi giá". Tốt nghiệp đại học, tôi làm nhân viên kỹ thuật cho một doanh nghiệp nhà nước. Chuyến công tác đầu tiên, tôi cùng chuyên gia người Nhật và anh trưởng phòng đi giao thiết bị cho đối tác, cũng là một doanh nghiệp nhà nước khác. Tôi chịu trách nhiệm phiên dịch cho chuyên gia để đào tạo, hướng dẫn vận hành và bàn giao phần kỹ thuật, phụ giúp trưởng phòng.
Chúng tôi gặp trục trặc. Sau các bước thử chức năng hoạt động của thiết bị do chuyên gia thực hiện, nhiệt tình và thành công, phần vận hành của đội ngũ bên đối tác thất bại liên tục. Khâu bàn giao kỹ thuật và công nghệ kéo dài hơn dự kiến. Ba chúng tôi trở nên căng thẳng và nghi ngờ chính mình. Anh trưởng phòng đi tìm hiểu vấn đề. Tối đó, anh mời cả đội vận hành, bàn giao kỹ thuật đi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng. Ăn xong, anh mời đi tăng hai, tăng ba.
Buổi làm việc kế tiếp, chẳng cần hướng dẫn của chuyên gia, các anh công nhân và kỹ thuật viên bỗng nhiên thành thạo, các phép thử lần lượt thành công. Cuối ngày, chúng tôi vui vẻ bắt tay kết thúc nghiệm thu phần kỹ thuật. Trưởng phòng đưa cái biên lai tạm tính tối hôm trước của nhà hàng, bảo tôi đi lấy hóa đơn tài chính. Chủ nhà hàng tiếp tôi niềm nở, anh hỏi: "Gửi thêm bao nhiêu em?". Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, anh giải thích: "Nếu em không gửi thêm thì anh viết hóa đơn đúng bằng biên lai thực tế, còn nếu gửi thêm bao nhiêu anh tính thuế thu nhập doanh nghiệp thôi, tính hữu nghị để giữ mối mà".
Trở lại khách sạn, chúng tôi xuống trả phòng. Nhân viên ghi hóa đơn lại hỏi: "Ghi bao nhiêu anh?" - "150.000 Đồng cho cả 6 tối em à", trưởng phòng trả lời. Tôi nhắc, "giá phòng 600.000 Đồng mà anh?". Anh nói: "Định mức kế toán chỉ được 150.000 nghìn thôi chú". Cầm cái hóa đơn nhà hàng tôi đưa với "giá thật", anh cùng tôi quay lại lấy thêm hóa đơn với con số mới gấp ba lần giá bữa cơm tối qua. "Có nhiều khoản phải chi cho một đơn hàng lắm chú ạ, có nơi có, có nơi không hóa đơn, tăng hai và tăng ba tối qua chẳng hạn", sếp tôi giải thích.
Trên chuyến xe về lại cơ quan, sếp chỉ cho tôi một vài cách "quản lý chi phí" trong công việc. Cụ thể như máy móc mình nhập về, phải lưu tại kho ngoại quan và tính phí theo ngày. Hoàn thiện được hàng hóa sớm ngày nào, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí ngày đó. Nhưng do cán bộ của mình không chuyên nghiệp, quy định lại thay đổi thường xuyên, nên dù làm đúng vẫn mất nhiều thời gian, gặp thêm anh hải quan vòi vĩnh thì chi phí chẳng biết thế nào. Bởi vậy, mình phải chấp nhận thuê dịch vụ hay lót tay để hàng được giải tỏa cho nhanh. Các chi phí "bôi trơn" cho người nhận hàng như bữa nhậu hôm qua, hoặc "bo" cho nhân viên quán, hay bù cho những định mức lỗi thời như hạn mức giá thuê phòng khách sạn; ngoài ra còn phải trích hoa hồng cho người môi giới, lại quả cho bên mua hàng... tất cả đều phải bằng tiền nhưng không thể có hóa đơn. Thậm chí, những hóa đơn này mang về, nếu không bôi trơn cho kế toán, họặc sếp không duyệt chi "thì cũng chết". "Muốn mọi việc tốt đẹp cho các bên thì phải gửi vào hàng hóa, như hôm qua chủ quán hỏi rất chân tình là ‘gửi giá".
"Gửi giá" là hành vi có lẽ đặc trưng và phổ biến ở Việt Nam, đến nỗi dưới bài viết về việc các cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã mua máy xét nghiệm phục vụ chống dịch Covid-19 với giá 7 tỷ Đồng thay vì giá trị thực 2,3 tỷ Đồng, có những bình luận trên mạng "chuyện này rất bình thường mà". Cho dù chưa có kết luận điều tra và vụ án chưa được xét xử, nghĩa là về nguyên tắc chúng ta không có quyền phán xét các cá nhân liên quan, nhiều người đã kết luận luôn sự kiện. Họ tin vào một thông lệ xã hội mà nếu nó có xảy ra cũng không ai ngạc nhiên.
Thường xuyên có sự thỏa thuận thông đồng nhịp nhàng với nhau giữa các bên để điều chỉnh đơn giá hàng hóa, có thể cao hơn khi là bên mua hoặc thấp hơn khi là bên bán. Những người tham gia thường là nhân viên hoặc cán bộ có trọng trách. Rất nhiều trường hợp, chính những người chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cơ quan gật đầu, bật đèn xanh, thậm chí gợi ý, nhắc nhở thuộc hạ làm. Khoản chênh lệch tạo ra được các bên thương lượng phân chia theo tỷ lệ, hay biếu xén lẫn nhau. Nó hình thành mối dây ràng buộc của các nhóm lợi ích, với hồ sơ thường đầy đủ và chặt chẽ. Nhiều trường hợp, dù kế toán, kiểm toán có đoán gìa đoán non cũng khó mà tìm ra chứng cứ, bên chịu thiệt hại rất khó phát hiện.
"Gửi giá" làm cho các quy luật thị trường trở thành khuyết tật, số liệu về kinh doanh của doanh nghiệp, nhà nước trở nên méo mó, hình thành một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Giá cả không còn phản ánh giá trị của sản phẩm, cản trở sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế, hạ thấp hình ảnh các nhà quản lý cơ quan công quyền. Các thành viên nhóm lợi ích mặc dù cùng hội cùng thuyền, nhưng luôn nghi kỵ nhau, không chia sẻ những sáng kiến phát triển mà thường chăm chú bàn cách để chia chác. Những người có năng lực nhưng liêm chính thường khó chen chân vào những ê kíp này. Tài sản của cá nhân quan chức cũng bị đặt dấu hỏi. Các khoản đầu tư công trở nên kém hiệu quả khi chi phí ngày càng tăng cao, mua bán công không hiệu quả, phương hại hình ảnh Chính phủ; thậm chí dẫn đến các quyết sách của nhà nước bị lệch lạc, niềm tin xã hội suy giảm, kéo theo sự chậm phát triển.
Các quy định về mua sắm công hiện khá đầy đủ, thậm chí có ý kiến còn cho rằng quá phức tạp, vậy tại sao người ta vẫn móc túi ngân sách được bằng những hợp đồng "gửi giá"? Tôi cho rằng một ngọn nguồn của tệ nạn này chính là rủi ro đạo đức - rủi ro phát sinh khi đạo đức của các bên tham gia giao dịch bị suy thoái. Trong đại dịch, Chính phủ đã phải chi nguồn lực lớn hơn bao giờ hết cho máy móc thiết bị, vật tư y tế từ ngân sách của nhân dân, nhưng có những cán bộ vẫn quen tay, tận dụng tối đa quyền mua sắm trong tay để kiếm chác.
Hàng loạt quan chức cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước vi phạm đạo đức công vụ bị xử phạt giúp cho điểm số minh bạch của Việt Nam năm 2019 tăng đáng kể. Tuy vậy chỉ đạt 37/100 điểm, đứng thứ 96/180, vẫn nằm dưới mức trung bình của thế giới. Vì vậy, có lẽ trông đợi, kêu gọi các cán bộ hãy tuân thủ đạo đức hơn là chưa đủ.
Bên cạnh việc minh bạch hóa mạnh mẽ đến từng chi tiết các dự án mua sắm công của cơ quan nhà nước trên mạng - việc nhiều nước đã làm tốt, các quy định về đấu thầu trực tuyến, mua sắm tập trung đã đến lúc cần hoàn thiện và áp dụng bắt buộc với mọi giao dịch có liên quan đến tiền ngân sách. Khi ấy, người dân có thể tham gia giám sát mua sắm công bằng cách lên mạng, kiểm tra các giao dịch. "Nhà nước đẩy, thị trường kéo, cộng đồng giám sát" sẽ tạo thế ba chân để minh bạch hóa, giám sát đạo đức công vụ và hạn chế tệ nạn "gửi giá".
Vũ Ngọc Bảo