Giá khám, chữa bệnh dịch vụ giảm sâu nhưng tăng tiền giường

Sau 1 tuần triển khai Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu ở các bệnh viện công lập, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nơi giá khám chữa bệnh và nhiều dịch vụ kỹ thuật giảm, thậm chí có dịch vụ giảm mạnh, nhưng tăng giá giường dịch vụ. Hiện đã có giường dịch vụ 3,8 triệu đồng.

Nhiều dịch vụ kỹ thuật giảm giá tới 60%

Một tuần triển khai giá khám chữa bệnh dịch vụ theo Thông tư 13 của Bộ Y tế, nhiều người bệnh cho biết, một số giá dịch vụ như phẫu thuật, thủ thuật không còn “chát” như trước. Đơn cử như Bệnh viện Việt Đức, 1.478 dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đều bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định nhưng đã giảm mạnh so với trước đây. Trước ngày 15/8, giá khám theo yêu cầu tại Bệnh viện Việt Đức áp dụng các mức khám bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, thì nay chỉ áp dụng một mức 500.000 đồng. Đây là mức kịch trần của Thông tư 13 và nhiều bệnh viện đang áp dụng mức này.

bv.jpg -0
Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giảm.

Theo bảng giá niêm yết của Bệnh viện Việt Đức thì nhiều dịch vụ đã giảm sâu kể từ ngày 15/8, cụ thể: Tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 đồng xuống 287.000 đồng; chụp Xquang số hoá giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng…

Đặc biệt, nhiều dịch vụ kỹ thuật khác tại Bệnh viện Việt Đức giảm rất sâu, như: Điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ giảm từ 13 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng tầng thường quy giảm từ 5,6 triệu xuống còn gần 2,4 triệu đồng; nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết giảm gần 400.000 đồng, còn hơn 1 triệu đồng; phẫu thuật bắc cầu thiếu máu mạn tính từ 43 triệu giảm còn gần 13 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ - động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu xuống còn hơn 37 triệu; phẫu thuật thay động mạch chủ từ 74 triệu xuống còn 35,2 triệu đồng; phẫu thuật thay vết thương sọ não hở giảm 6 triệu, còn hơn 8 triệu đồng… Trước đây một ca phẫu thuật vỡ tim do chấn thương giá dịch vụ là 54 triệu, nay giảm còn hơn 23,8 triệu. Nhiều kỹ thuật vi phẫu, chuyển vạt da có nối hoặc ghép, phẫu thuật lóc động mạnh chủ… cũng giảm giá rất mạnh, giảm vài chục triệu so với trước.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện chỉ điều chỉnh giảm giá, không điều chỉnh tăng giá bất cứ dịch vụ theo yêu cầu nào so với trước đây. Tuy giảm giá nhưng chất lượng dịch vụ không thay đổi.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, giá khám bệnh theo yêu cầu vẫn giữ như trước khi có Thông tư 13. Như Bệnh viện E chỉ có một mức giá khám chung 300.000 đồng, không phân biệt giáo sư hay bác sĩ. PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: “Bệnh viện vẫn giữ nguyên mức giá khám theo yêu cầu là 250.000 – 500.000 đồng. Chúng tôi vẫn đang cho xây dựng giá, mức thu phải hợp lý, tăng hay giảm phải có căn cứ, trên cơ sở định mức cho phép”. Riêng Bệnh viện Bạch Mai áp dụng mức giá khám dịch vụ cao hơn do trước kia mức giá này quá thấp, nhưng giá mới cao nhất cũng chỉ 400.000đ, chưa kịch trần theo Thông tư 13.

Giá sinh mổ dịch vụ (lần đầu) tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ 15/8 giảm từ 16 triệu còn hơn 6,7 triệu đồng và phẫu thuật lần 2 là 7,6 triệu đồng. Với sản phụ sinh thường, giá dịch vụ giảm từ 14 triệu xuống còn hơn 4,3 triệu đồng. “Tôi thấy rất dễ thở với giá dịch vụ mới. Con nhà tôi vừa nhập viện phẫu thuật nối tĩnh mạch, giá trước đây hơn 73 triệu, nay còn 18,5 triệu, giảm gần 4 lần, người có mức thu nhập trung bình như chúng tôi có thể chịu được”, bà Phạm Lương An (Hà Nội) có con điều trị ở Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Người bệnh được thụ hưởng gì?

Theo Thông tư 13, giá giường dịch vụ tối đa là 4 triệu đồng/1 giường/phòng, nhiều bệnh viện kêu “khó” thực hiện bởi giá 4 triệu phải có các dịch vụ kèm theo tương xứng với giá thành. Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Bạch Mai chưa xây dựng giá dường dịch vụ 4 triệu”. Còn với Bệnh viện Việt Đức cũng chưa xây dựng giá giường dịch vụ mức tối đa. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương chưa có điều chỉnh giá giường dịch vụ, mức giá giường cao nhất là 900.000 đồng/phòng 2 giường.

Tuy nhiên, theo một số người bệnh, kể từ 15/8, họ được thông báo tăng giá giường dịch vụ. Ví dụ giá giường từ 1,2 triệu đồng lên 3 triệu/giường như ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Mức giường cao nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội áp dụng theo Thông tư mới là 3,8 triệu đồng. Một sản phụ cho biết: “Mức giá này bằng tiền thuê nhà 1 tháng. Nếu phải nằm dài ngày, tiền giường là chi phí rất lớn”. Với mức giá tối đa 4 triệu/giường tương đương với phòng khách sạn 5 sao, nhiều người bệnh cho biết, nếu phải nằm dài ngày thì tiền giường lên tới vài chục triệu, rất tốn kém.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, theo quy định mới về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu của Thông tư 13 tại các cơ sở y tế công lập, giá dịch vụ kỹ thuật rất thấp, 70% kỹ thuật dịch vụ theo yêu cầu giảm giá và giảm nhiều. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, dịch vụ như mổ đẻ, phẫu thuật… đều giảm mạnh. Trước 15/8, một ca mổ đẻ dịch vụ là 12 triệu đồng, thì nay theo Thông tư 13 chỉ còn 7,6 triệu. Với giá mới này thu không đủ bù chi. Trước đây, một ca mổ dịch vụ khó, bệnh viện trả cho bác sĩ mổ 2 triệu đồng, ca mổ thường 1,5 triệu đồng. Nay theo giá mới, theo yêu cầu của các mẹ bầu khi nửa đêm, lúc 2h hay 4h sáng mời bác sĩ vào viện mổ mà trả 500.000 thì không ai làm cả. Chính vì vậy, khi họp hội đồng bệnh viện, Đảng uỷ Ban giám đốc quyết định Bộ cho gì thì làm cái đó, giá dịch vụ kỹ thuật thấp mà giá giường cao thì bù nhau. “Nếu đẻ thường, sản phụ nằm giường dịch vụ 1 ngày, đẻ mổ nằm 3 ngày thì dù tiền giường có cao hơn một chút nhưng tiền kỹ thuật lại thấp đi một nửa, tổng chi phí giá dịch vụ cho 1 ca mổ đẻ vẫn thấp hơn so với trước đây”, GS Ánh nói.

 Theo GS Ánh, trung bình một năm, bệnh viện mổ dịch vụ khoảng 35.000 ca (gồm cả mổ đẻ và mổ phụ khoa), nay áp dụng theo giá dịch vụ mới, nguồn thu giảm đi một nửa. “Trước đây trả đúng 2 triệu/ca sinh mổ khó và 1,5 triệu/ca sinh mổ thường thì bác sĩ sẵn sàng làm, còn xóa bỏ tình trạng phong bì”, GS Ánh nói. Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có 250 giường dịch vụ, trong đó mỗi khoa có 1/3 là giường VIP giá 3,8 triệu đồng. Để chi trả mức tiền giường cao như vậy, quyền lợi của người bệnh được những gì? “Giường đạt tiêu chuẩn y tế, đủ không gian, có chuông báo động, ánh sáng, nhà vệ sinh, được chăm sóc đặc biệt trong buồng bệnh. Sản phụ được công bố 156 dịch vụ khách hàng như có nhân viên kế toán đến tận giường thanh toán, ra về có người dẫn đến tận xe, nhân viên y tế chăm sóc con… Người bệnh được chăm sóc toàn diện”, GS Ánh nói.

Trước những thắc mắc giá giường VIP, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện cố gắng tính toán làm sao để bệnh nhân không ai phải chi cao hơn ngày trước. Nếu ai phải nằm viện lâu vì vấn đề tai biến hay nhiễm trùng, bệnh viện giảm giá giường hoặc miễn phí luôn phần vượt so với giá trước kia.

https://cand.com.vn/y-te/gia-kham-chua-benh-dich-vu-giam-sau-nhung-tang-tien-giuong-i704908/

Trần Hằng / cand.com.vn