Giá dầu có thể lên cao sau khi dịch COVID-19 được kiềm chế

Giá dầu thô thế giới đã giảm sâu ở mức lịch sử trong suốt 4 năm qua khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm lên đến 30%. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đang chờ kỳ điều chỉnh giá với nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - ông Nguyễn Anh Đức.

gia dau co the len cao sau khi dich covid 19 duoc kiem che

Ông Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Thưa ông, mở cửa giao dịch đầu tuần, giá dầu thô thế giới giảm mạnh 30% từ 45 USD/thùng xuống còn 31,02 USD/thùng. Dầu thô trung cấp West Texas của Mỹ giảm 27% xuống còn 30 USD/thùng. Phản ứng của Saudi Arabia là tăng sản lượng và cung cấp dầu thô với mức giảm giá chưa từng có. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Trong ngày 9.3 có lúc giá dầu Brent xuống thấp đến mức 31,27 USD/thùng, gần đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua (26,01 USD/thùng vào ngày 20.01.2016). Trước đó trong ngày 6.3, giá dầu Brent đã giảm gần 10%. Lý do chủ yếu của đợt sụt giảm mạnh này bắt nguồn từ việc vào ngày 6.3, Nga từ chối thỏa thuận với tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản xuất thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày so với thỏa thuận hiện tại (cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày) sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3.2020.

Không đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ với Nga, ngày 8.3 Saudi Arabia thông báo mức giảm giá xuất khẩu dầu mỏ đến các thị trường Châu Á, Châu Âu và Mỹ trong quý II/2020 lớn nhất từ trước đến nay và có thể phục hồi sản lượng khai thác tối đa (thêm 2,3 triệu thùng dầu/ngày - gấp khoảng 10 lần sản lượng khai thác dầu trong nước của Việt Nam năm 2019). Mục tiêu của Nga là duy trì sức ép đến các công ty khai thác dầu trong đá phiến tại Mỹ, buộc một số công ty phá sản, giảm sản lượng xuất khẩu dầu từ Mỹ, ổn định nguồn cung dầu mỏ trong dài hạn. Mục tiêu của Saudi Arabia là bảo vệ thị phần dầu mỏ của mình và đưa giá dầu xuống mức thấp, đặc biệt ở Châu Âu, để buộc Nga quay trở lại bàn đàm phán.

Theo dự báo tháng 3 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), lần đầu tiên kể từ năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009 nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lý do chính trị sẽ được giải quyết khi một trong 2 bên (Nga hoặc các nước trong OPEC đứng đầu là Saudi Arabia) không chịu được gánh nặng suy giảm nguồn thu ngân sách quốc gia do giá dầu thấp, phải thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác, tiết chế nguồn cung để đưa giá dầu tăng về mức có thể đảm bảo nguồn thu ngân sách quốc gia của các bên.

Theo nhận định cá nhân, do có nhiều sức ép chính trị (thu ngân sách, chi phí cho chương trình phát triển bền vững, ổn định vị thế trong nội bộ), Saudi Arabia sẽ sớm thỏa thuận với Nga và các nước khác trong OPEC để tiết giảm sản lượng khai thác, duy trì giá dầu Brent ở mức trên 42 USD/thùng (mức cân bằng thu chi ngân sách Saudi Arabia). Việc giá dầu có thể lên cao nữa hơn tùy thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới sau khi dịch COVID-19 được kiềm chế.

Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu thô thế giới quý II và III năm nay xuống còn 30 USD/thùng và cảnh báo giá có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng trong những tuần tới. Những biến động của thị trường dầu thô trên thế giới sẽ có tác động đến thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Điều này liệu có dẫn tới việc giá xăng dầu trong nước giảm mạnh từ giữa tháng 3 này không, thưa ông?

- Theo quy định trong văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BCT ngày 13.2.2018 về Kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu trong nước được tính theo giá xăng dầu (không phải giá dầu mỏ) thế giới cộng thêm các loại thuế, phí và được tính bình quân 15 ngày. Kỳ điều hành giá gần nhất là vào ngày 29.2.2020.

Như vậy dự kiến ngày 15.3.2020 sẽ là thời điểm của kỳ điều hành giá tiếp theo. Thông thường việc tăng giảm giá xăng dầu có độ trễ so với việc tăng giảm giá dầu mỏ (cụ thể giá xăng dầu ngày 6.3 so với ngày 5.3 giảm với tỉ lệ thấp hơn (4%) so với tỉ lệ giảm giá dầu mỏ) nhưng đến ngày 9.3 thì giá xăng dầu cũng đã giảm hơn 20% so với giá xăng dầu ngày 6.3.

Theo quan điểm cá nhân, đến 15.3 khả năng cao sẽ không có thông tin mới thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ giữa Nga và các nước OPEC cũng như tình hình dịch COVID-19 chưa có tiến triển khả quan rõ rệt trên thế giới nên giá dầu mỏ và tương ứng là giá xăng dầu thế giới sẽ không khác nhiều so với thời điểm hiện tại. Vì thế so với chu kỳ 15 ngày trước, bình quân giá xăng dầu thế giới trong chu kỳ 15 ngày đầu tháng 3.2020 sẽ thấp hơn khoảng 10%.

- Xin cảm ơn ông!

Huy Minh (thực hiện)

gia dau co the len cao sau khi dich covid 19 duoc kiem che Dịch COVID-19: Diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới

Hơn 116.458 người mắc bệnh COVID-19 và 4.091 người tử vong và 64.750 người được xuất viện ở trên 100 nước và vùng lãnh thổ ...

gia dau co the len cao sau khi dich covid 19 duoc kiem che Giá dầu giảm 25%

Dầu thô giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, khi cuộc chiến giá giữa Nga và Saudi Arabia đe dọa nhấn chìm thị trường bằng ...

gia dau co the len cao sau khi dich covid 19 duoc kiem che Vì sao Saudi Arabia khơi mào cuộc chiến giá dầu

Saudi Arabia có thể muốn phạt Nga vì từ bỏ liên minh, đồng thời cũng cố ngôi xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới bằng ...

/ laodong.vn