Giá cước tăng vọt, chủ tàu Việt có hưởng lợi?

Cước vận tải biển đi châu Âu, Mỹ tăng chóng mặt trong những ngày đầu năm 2024 khiến thị trường vận tải biển sôi động hơn.

Hưởng lợi từ cho thuê tàu định hạn

Ngành vận tải biển toàn cầu đang đứng trước biến động lớn khi căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải biển container tuyến đi châu Âu, Mỹ tăng vọt.

Giá cước tăng vọt, chủ tàu Việt có hưởng lợi?- Ảnh 1.

Giá cước vận tải container đường biển đang tăng cao với các tuyến vận tải đi Mỹ, châu Âu.

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải Drewry, chỉ số Container Thế giới (WCI) đã tăng 23% lên 3.777 USD/container 40feet, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022 và cao hơn 166% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD.

Theo đó, giá cước vận chuyển từ Rotterdam đến Thượng Hải tăng 50%, tương đương 323 USD lên 975 USD/container 40feet. Giá cước trên tuyến Thượng Hải đến Los Angeles tăng 38%, tương đương 1.070 USD lên 3.860 USD/Teu. Giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 35%, tương đương 1.474 USD lên 5.644 USD/hộp 40feet.

Đối với giá cước vận tải từ Việt Nam đi cảng khu vực Tây Mỹ cũng đang ở mức cao, khoảng 2.650 USD/container 40 feet, đi cảng khu vực Đông Mỹ 3.900 USD/container 40 feet, đi châu Âu 4.900 USD/container 40 feet.

Cục Hàng hải VN lý giải, với tuyến vận tải từ châu Á đi châu Âu, thường hành trình tàu đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez để rút ngắn tuyến đường và tối ưu chi phí. Thế nhưng từ cuối năm 2023, xung đột tại khu vực Biển Đỏ đã khiến các hãng tàu phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng tại Nam Phi.

Điều này khiến hành trình tàu kéo dài từ 10-14 ngày so với trước, phát sinh thêm nhiều chi phí vận chuyển, dẫn tới giá vận chuyển tăng cao và hiện tượng thiếu container có thể sẽ xảy ra.

Trước những biến động trên, các chuyên gia nhận định, Việt Nam tham gia nhiều công ước quốc tế về hàng hải nên những thay đổi của thị trường vận tải biển quốc tế cũng ảnh hưởng ít nhiều. Việc thị trường tăng giá cước ít nhiều cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận tải biển Việt, nhất là các doanh nghiệp có tàu cho thuê định hạn ở nước ngoài.

Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, thị trường thuê tàu container đang có biến đổi ở các khu vực và các phân khúc tàu. Các chủ tàu đang thúc đẩy thời gian hợp đồng dài hơn và các điều khoản cũng bắt đầu được cải thiện, chốt hợp đồng với giá cao hơn và thời gian dài hơn so với cuối năm 2023.

Hầu hết các hoạt động diễn ra trong phân khúc tàu có sức tải từ 2.500-3.500 Teu. Nhu cầu thuê tàu giao ngay đều tăng ở châu Âu và khu vực Viễn Đông. Các tàu feeder (tàu chạy trung chuyển giữa các cảng) có sức tải dưới 2.000 Teu cũng đang ghi nhận một số hợp đồng "chốt kèo" với mức giá cao hơn trước đó.

Một lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An tiết lộ, doanh nghiệp này đang có 6 tàu cho thuê định hạn, trong đó có 3 tàu cho thuê để hoạt động tại khu vực Biển Đỏ. Mức giá thuê tàu ở khu vực nhạy cảm này hiện tăng khoảng 30% so với trước đó, còn các khu vực khác tăng không đáng kể.

"Thời gian vận chuyển tăng lên do tàu phải đi đường vòng, trong khi nguồn cung tàu vẫn vậy", vị này cho hay.

Không dễ "tát nước theo mưa"

Dù có được những hợp đồng thuê tàu định hạn đã có mức giá cao hơn thời điểm cuối năm 2023, song lãnh đạo Hải An cho rằng, giá thuê tàu tùy thời điểm và tùy thị trường. Mức giá cũng phụ thuộc vào từng hợp đồng ngắn hay dài hạn, mức độ thân thiết của chủ tàu với khách hàng...

Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, cả chạy tuyến quốc tế lẫn nội địa đều vẫn thận trọng trong việc đưa ra kế hoạch năm 2024 bởi tình hình thị trường vẫn khó đoán.

Chưa kể càng ngày, các quy định của quốc tế liên quan tới việc giảm phát thải từ tàu ngày càng siết chặt, dễ khiến các hãng tàu Việt Nam rơi vào thế khó khi đội tàu đa số là tàu cũ.

Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Bùi Văn Trung

Đơn cử, một tàu có sức tải khoảng 1.700 Teu hiện nay nếu cho thuê chạy ở thị trường Nội Á có thể đạt giá 10.000 USD/ngày, nhưng nếu cho tàu chạy tại khu vực Trung Đông trong 3 tháng, mức giá có thể tăng khoảng 20-25%, khoảng 13.000 USD/ngày.

"Đặc biệt, việc tăng cước hiện nay chủ yếu là của các hãng vận tải biển lớn của thế giới nên doanh nghiệp Việt nếu lựa được thời cơ, cũng chỉ có thể "tát nước theo mưa" được tới đâu hay tới đó. Các hãng tàu Việt còn khá nhỏ bé nên các hoạt động đều phải tính toán thận trọng", vị này nói và cho rằng đây cũng có thể coi là tín hiệu tích cực của ngành vận tải biển đầu năm 2024.

Tuy vậy, để các hãng tàu Việt Nam "tát nước theo mưa" cũng không dễ khi tín hiệu tích cực này chỉ dành cho những hãng có tàu lớn và chạy biển xa đi châu Âu, Mỹ. Với các doanh nghiệp có tàu nhỏ hơn, sự khởi sắc vẫn chưa rõ ràng.

Ông Nguyễn Đại Hải, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng thông tin, các tàu cho thuê định hạn chạy thị trường Nội Á có giá thuê biến đổi không lớn. Ước tính trung bình tàu khoảng 1.000 Teu hiện cho thuê ở thị trường Nội Á đạt khoảng 6.000 USD/ngày, trong khi cách đây khoảng một năm, giá có thể tới 21.000 USD/ngày. Thời gian thuê cũng ngắn, khoảng 4-7 ngày, hoặc có những hợp đồng chào thuê 10-20 ngày.

Theo ông Hải, việc các hãng tàu lớn tăng giá cước chủ yếu để bù cho chi phí chạy vòng với thời gian chạy kéo dài hơn, không phải do nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Còn các tàu Việt Nam cho thuê phần lớn là tàu nhỏ nên hầu hết chỉ cho thuê ở thị trường Nội Á làm tàu feeder, mà khu vực này không chịu ảnh hưởng như tại khu vực Biển Đỏ.

Đó là với thị trường quốc tế, còn thị trường nội địa gần như không bị tác động bởi giá cước vận tải quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp vận tải biển khi giá cước thời điểm giáp tết Nguyên đán 2024 cũng "ấm" hơn.

Theo tìm hiểu, giá cước vận tải biển từ Hải Phòng - TP.HCM có mức khoảng 2,5 triệu đồng/container 20 feet và khoảng 4,4 triệu đồng/container 40 feet. Mức giá này đã cao hơn khoảng 10% so với thời điểm trước và đã bao gồm cả các phụ phí vận tải. Dù vậy, "bài toán" vận tải sau giai đoạn Tết cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp "đau đầu".

Theo các chuyên gia, thời gian tới, các doanh nghiệp phải đánh giá cụ thể và cân nhắc trong các hoạt động. Nhất là trong năm 2024, khi nhiều doanh nghiệp có thể nhận được các tàu đóng mới, dễ khiến nguồn cung tàu tăng, đồng thời tạo sức ép với chính các doanh nghiệp để vận hành.

Hồ An / Giao thông