GDP tăng kỷ lục: Mừng nhưng phải thận trọng...

Tốc độ tăng trưởng và lạm phát di chuyển cùng chiều, thậm chí lạm phát còn ở xu thế tăng lên nhưng ở đây lại rất thấp.

Tăng trưởng GDP quý III được đánh giá là mức tăng kỷ lục, với mức tăng đạt 7,46%, Tổng cục Thống kê (TCTK) kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7%.

GDP quý III tăng cao kỷ lục

Theo khẳng định của đơn vị này, mức tăng trưởng trên là nhờ vào sự tăng trưởng đột phá của một số ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; Sản xuất nông nghiệp- thuỷ sản; xuất khẩu... Nhìn vào những lý do tăng trưởng, ông Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bày tỏ chút băn khoăn.

Theo ông Trương Thanh Đức, đánh giá tăng trưởng phải dựa vào rất nhiều yếu tố và nó được tích lũy trong suốt cả một quá trình dài. Nhìn vào diễn biến hiện tại ông khẳng định vẫn chưa thể tìm thấy một điểm sáng nào có thể tạo đà cho GDP tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Tuy nhiên, tại báo cáo của TCTK đã cho thấy có sự tăng trưởng đột biến đáng ngạc nhiên ở một số lĩnh vực nhất là khu vực doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, trong 9 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,8% (trong đó Tổ hợp Samsung trong quý III tăng trưởng tới 45% và Nhà máy thép Formosa sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép/năm).

Đáng chú ý, xuất khẩu cũng tăng mạnh tới gần 19%, với sự đóng góp chủ yếu của khu vực FDI. Ông Đức nói, mức tăng trưởng nhảy vọt này thể hiện trong một thời gian rất ngắn, chỉ tháng trước với tháng sau, là điều rất lạ.

"Nhà máy thép Fomosa ngay từ đầu năm đã điêu đứng vì hàng loạt những sự cố về môi trường, tới giờ còn khắc phục chưa xong. Trong khi, Samsung trong quý I và quý II, do sự cố cháy nổ Galaxy Note 7 nên sản phẩm không bán được, thị trường đi xuống, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Cứ với đà này để giữ được cân bằng đã rất khó chứ chưa nói tới kỳ vọng có thể sẽ đi lên.

Thế nhưng, tại báo cáo của TCTK lại cho thấy một kết quả rất khả quan, với sự bứt phá kỷ lục. Tôi băn khoăn, liệu Samsung, Formosa xin giãn nợ thuế để đạt chỉ tiêu? Nếu sự thật đúng là như vậy, thì chọn cách tăng trưởng nóng và không bền vững", ông Đức lý giải.

Nhưng nếu đặt giả thiết, nhận định của TCTK là đúng, tức là sự tăng trưởng đột biến trên chủ yếu nhờ vào việc xuất, nhập khẩu của khu vực FDI thì ông Đức cho rằng, cũng không phải tín hiệu đáng vui mừng.

"Xuất siêu hay nhập siêu hoàn toàn do khu vực FDI mang lại chỉ càng cho thấy sự lấn lướt của khu vực này so với khu vực kinh tế trong nước. Vấn đề đáng quan tâm là xuất siêu nhiều nhưng giá trị đóng góp của khu vực này mang lại thì không đáng bao nhiêu.

Theo nghiên cứu của một chuyên gia kinh tế, từ năm 2005 đến năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng, từ 57% năm 2005 tăng lên 67% trong năm 2013, nhưng tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này không tăng lên đáng kể (15,2% năm 2005 và 18,07% năm 2015).

Điều này cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế vào khu vực FDI". Ông Đức cảnh báo, cuộc chạy đua tăng trưởng GDP theo quy mô, số lượng mà không chú ý đến chất lượng thì chỉ có Việt Nam chịu thiệt.

Theo ông Đức, sự phụ thuộc trên còn được thể hiện ngay trên con số lạm phát mà TCTK công bố. Mặc dù công bố tăng trưởng GDP quý III tăng vọt, đạt mức 7,46% nhưng tỉ lệ lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng lại được ghi nhận chỉ ở mức 1,45%.

Theo ông Đức, trong ngắn hạn, sẽ có sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng, theo đó muốn có tăng trưởng cao thì phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng và lạm phát di chuyển cùng chiều, thậm chí lạm phát còn ở xu thế tăng lên nhưng ở đây lại rất thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng ngân sách thâm hụt triền miên và nợ công tăng lên, đặc biệt trong cơ cấu chi ngân sách thì chi thường xuyên vẫn tăng nhanh,...Trong bối cảnh đó mà mức lạm phát lại giữ được rất thấp khiến vị chuyên gia không thể lý giải được.

Vị chuyên gia nói thêm, từ bảng cân đối liên ngành của TCTK, có thể thấy thu nhập từ sản xuất cho giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% GDP, điều này cho thấy tăng trưởng GDP đang bị tác động rất nhiều từ các yếu tố bên ngoài chứ không phụ thuộc vào sản xuất.

Do đó, việc tăng GDP một cách gượng ép chỉ làm nguồn lực của nền kinh tế yếu đi trong trung và dài hạn và chính nó là tác nhân gây nên những mất cân đối về vĩ mô.

"Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải giảm được chi phí, đặc biệt là những chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, kinh doanh có lãi, nâng cao chất lượng đời sống lao động.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đời sống, xã hội, tăng chi cho y tế, giáo dục thì cũng phải tiết giảm tối đã chi tiêu thường xuyên của Chính phủ.

Không nên chạy theo tăng trưởng theo hình thức đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình nghìn tỉ", ông Đức nói.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/gdp-tang-ky-luc-mung-nhung-phai-than-trong-3344368/)

GDP 9 tháng đang ở mức 6,41%

Đây là số liệu được công bố trong phiên họp của Hội đồng, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý III ...

Nợ công lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, tương đương 61% GDP

Nợ công năm 2015 tương đương 61% GDP. Trong khi đó nợ công năm 2011 mới chỉ là 54,9% GDP. Nợ chính phủ bảo lãnh ...

Xin hiến kế cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2%. dựa vào tỷ lệ 62,3% chi ...

/ Theo Hà Trang/Báo Đất Việt