Đi xe buýt là vì lợi ích chung của nhiều người nhưng nếu trong trường hợp không thuận tiện người dân có thể lựa chọn những phương tiện khác.
Vì lợi ích chung?
Ngày 19/3, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã nhận được 12 câu hỏi liên quan tới đề xuất cấm xe máy vào nội đô đang gây xôn xao mấy ngày qua.
Xe buýt chưa hấp dẫn người dân. Ảnh minh họa
Tại đây, một lần nữa Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, ùn tắc giao thông là vấn đề của thời đại không chỉ gặp ở Việt Nam.
Ông Viện cũng khẳng định không phải đến năm 2020 Hà Nội cấm xe máy mà là thực hiện lộ trình xây dựng đề án hạn chế phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn của các quận vào năm 2030.
Về nguyên tắc, tất cả nội dung này Sở GTVT hay các cơ quan khác không tùy tiện đưa ra mà trên cơ sở có chủ trương, có định hướng. Ông Viện cũng cho rằng không thiếu phương tiện giao thông.
Về thắc mắc các phương tiện công cộng không cơ động, tiện dụng đặc biệt là vận chuyển các đồ cồng kềnh như bu gà từ quê lên... Ông Viện cho rằng, đi xe buýt là vì lợi ích chung của nhiều người nhưng nếu trong trường hợp không thuận tiện người dân có thể lựa chọn những phương tiện khác.
"Ít tiền thôi thì đi xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi. Ở đô thị có những quy định mà người dân phải chấp nhận quy tắc ứng xử cho phù hợp với yêu cầu vì lợi ích chung. Chính quyền phải vì lợi ích chung của người dân để đặt ra quy tắc để phục vụ tốt hơn”, ông Viện nói.
Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, lộ trình thực hiện giai đoạn 2019-2020 sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tổ chức công khai lộ trình thực hiện và triển khai các bước theo lộ trình được duyệt.
Dù vậy, ông Hải cũng khẳng định sẽ luôn cầu thị, tiếp thu ý kiếm góp ý trong quá trình xây dựng đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ được triển khai khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sao chưa cấm ô tô?
Ông Bùi Sinh Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết, ông ủng hộ chủ trương hạn chế phương tiện xe cá nhân vào khu vực nội đô, trong đó có chủ trương cấm xe máy tại từng khu vực, theo từng giai đoạn, lộ trình cụ thể.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chủ trương trên chỉ được thực hiện khi cơ sở hạ tầng cũng như các phương tiện giao thông công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Về đề xuất cấm xe máy trên một trong hai tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương vào tháng 4/2019, ông Quyền nói thẳng là không khả thi.
"Đây là hai tuyến đường nối thẳng vào trung tâm, nếu cấm tuyến đường này xe sẽ đổ dồn vào đường kia và như vậy áp lực từ hai dồn lên một thì nguy cơ gây ùn tắc kéo dài là hiện hữu.
Đừng nghĩ rằng, cấm xe máy người dân sẽ đi tàu điện hay xe buýt BRT. Rất nhiều vấn đề cần phải hiểu rõ để điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài tính cơ động, tiện dụng của xe máy khiến người dân khó có thể từ bỏ ngay thì việc thiết kế các tuyến BRT cũng không phù hợp, thậm chí còn gây phiền hà, khó chịu cho người lựa chọn loại phương tiện này.
Ngoài ra, các phương tiện kết nối còn rời rạc, nghèo nàn, không vào được các ngõ hẻm, trong khi quãng đường phải đi bộ quá nhiều, hiệu quả không cao. Vì thế, để người dân bỏ xe máy chọn BRT ở thời điểm này là rất khó.
Còn với đường sắt trên cao cũng vậy. Khi hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, người dân phải di chuyển nhiều, tốn thời gian, tốn chi phí, không hiệu quả thì rất khó thuyết phục được người dân bỏ xe máy", ông Quyền phân tích.
Cũng theo ông Quyền, nếu để đánh giá thì xe máy không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tắc đường. Ông Quyền cho rằng, nếu nói về nguy cơ gây tắc đường thì có lẽ ô tô mới là đối tượng gây tắc đường lớn hơn.
"Nếu cấm xe may mà không cấm ô tô sẽ dẫn tới rất nhiều hậu quả, hệ lụy khó lường hơn.
Tôi lấy ví dụ, cấm xe máy người dân chuyển sang đi ô tô thì lượng xe ô tô sẽ tăng lên nhanh chóng, đến lúc đó tình trạng ùn tắc không những nghiêm trọng hơn mà còn khó chữa hơn", ông Quyền nói. Vì thế, theo ông Quyền, Hà Nội muốn giải quyết được tình trạng ùn tắc phải tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với đó từng bước hạn chế phương tiện cá nhân bao gồm cả xe máy và ô tô.
Cấm xe máy vì không "lịch sự" bằng ô tô?
Xe máy là phương tiện làm lợi cho TP chứ không gây thiệt hại như một số ý kiến cho rằng xe máy gây thiệt ... |
Cấm xe máy sao không cấm ô tô?
Cấm xe máy, ô tô cá nhân sẽ phình ra trong khi hạ tầng chưa đáp ứng, tình trạng ùn tắc còn nghiêm trọng, khó ... |
Cấm xe máy: đừng để thảm họa tiến đến mà không biết làm thế nào
“Cải cách mà không ai phản đối là cải cách tồi!” – lời khuyên của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho Việt Nam dường ... |