Gặp họa với thuốc giảm cân cấp tốc

Sau Tết, nhu cầu giảm béo, làm đẹp của chị em phụ nữ càng tăng cao. Đánh vào tâm lý đó, nhiều đối tượng rao bán sản phẩm giảm cân cấp tốc như một loại thần dược có thể mang đến vóc dáng gọn gàng săn chắc chỉ trong một liệu trình 10-12 ngày. Thế nhưng các chuyên gia, cho rằng việc lạm dụng sản phẩm giảm cân có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, nhiều tác dụng phụ hết sức nguy hiểm.

Tràn lan thuốc giảm cân cấp tốc trên chợ mạng

Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc giảm cân” trên mạng, trong thời gian ngắn đã cho ra hàng loạt các bài viết về các loại thuốc, kẹo giảm cân khác nhau. Các quảng cáo thường đi kèm theo lời quảng bá “thuốc không có tác dụng phụ, 100% thành phần từ thảo dược tự nhiên”. Đặc biệt, để thu hút người xem, các “đại lý” còn sử dụng các chiêu trò mời gọi, dẫn dụ bằng cách quảng cáo “giảm cân nhanh”, “giảm cân cấp tốc”, hoặc đốt cháy lượng mỡ cứng đầu trong cơ thể vừa “nhanh hơn và dễ dàng hơn” bất kỳ phương pháp nào khác…, đồng thời khẳng định thuốc luôn trong tình trạng “cháy hàng” do nhu cầu làm đẹp tăng cao.

_xuycn~n.jpg -0
1_xuycn~k.jpg -0
Các loại thuốc giảm cân cấp tốc với nhiều màu sắc, kiểu dáng được bán tràn lan trên mạng.

Với cam kết giảm cân từ 5kg chỉ trong vòng 10 ngày, an toàn và không có tác dụng phụ, những viên thuốc màu sắc không rõ nguồn gốc vẫn đang được rao bán tràn lan trên chợ mạng. Chính vì nhu cầu giảm cân tăng cao mà những hội nhóm giảm cân cấp tốc cũng được ăn theo, thu hút lượng thành viên lớn tham gia lên đến hàng chục nghìn thậm chí hàng trăm nghìn lượt theo dõi…

Chị Nguyễn Thị Oanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ăn Tết xong thấy người nặng nề hơn mọi khi, người lúc nào cũng bức bối khó chịu như bốc hỏa, nhảy lên cân cũng tăng 3kg chỉ trong 1 tháng sau Tết thế nên chị quyết định tìm đến thuốc giảm cân cấp tốc.

Tìm đến một hội nhóm giảm cân cấp tốc, chị thấy nhận xét tốt của nhiều người về một loại thuốc giảm cân, kèm hình ảnh giảm cân đều là người thật nên chị đã tin tưởng đặt mua, với cam kết sẽ giảm 3-5kg trong vòng 5-7 ngày, kèm theo quà tặng là gói trà giải độc, mát gan. Tuy nhiên về nguồn gốc, xuất xứ của loại thuốc này thế nào, chị chỉ được biết qua lời người bán là hàng thảo dược của Việt Nam, cực lành tính. Sau một liệu trình, chị thấy cân nặng không giảm được nhiều, không còn thèm ăn, nhưng cơ thể cảm thấy mệt mỏi, đứng lên ngồi xuống thường hoa mắt chóng mặt. Thậm chí có lúc còn bị nôn thốc nôn tháo không rõ lý do.

1_xuycn~l.jpg -0
Chị Oanh mất tiền oan vì dùng thuốc giảm cân cấp tốc.

Tại Fanpage có tên “Giảm cân cấp tốc 5kg/12 ngày”, với hơn 40 nghìn thành viên, rất nhiều người tìm hỏi mua sản phẩm giảm cân, giảm mỡ bụng. Khi có người hỏi thông tin sản phẩm, ngay lập tức hàng chục người vào bình luận, giới thiệu các loại sản phẩm giảm cân. Từ thuốc thảo dược, thực phẩm chức năng… cho đến men, engym, cafe, trà… giảm cân, thải độc.

“Để giảm mỡ thừa trên cơ thể và duy trì sự săn chắc thì kết hợp chế độ trong ăn uống dinh dưỡng khoa học, tập thể dục 20-30p mỗi ngày tại nhà và dùng sản phẩm như Bios Life Slim nhé”, một thành viên khuyên nhủ người có nhu cầu giảm mỡ bụng. Còn một nick N.A thì quảng cáo: “Em có lô mới toanh giảm cực mạnh. 20 ngày giảm  8kg (Combo VIP+ cực mạnh dành cho người béo bụng và cơ địa khó giảm. Giá ưu đãi. Miễn phí ship tận nhà”.

Phần lớn lời mời chào bán thuốc giảm cân đều hứa hẹn sẽ giúp giảm cân nhanh chóng, khi uống thuốc sẽ không gây mệt mỏi, không bị tiêu chảy, đau bụng, huyết áp cao... Thế nhưng thực tế không phải như vậy.

Thuốc giảm cân cấp tốc - lợi bất cập hại?

Theo phân tích của các nhà khoa học, các loại sản phẩm giảm cân chủ yếu hoạt động bằng cách tác động trực tiếp vào hệ tiêu hóa và những bộ phận có khả năng tích trữ mỡ lớn nhằm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng, gây nên cảm giác chán ăn cho người sử dụng. Qua đó, thuốc giảm cân có tác dụng làm giảm lượng dinh dưỡng cơ thể nạp vào và giúp giảm béo nhanh chóng.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguy hiểm nhất là có một số loại sản phẩm giảm cân làm tăng nguy cơ tai biến và huyết áp. Đặc biệt, các độc tính có trong sản phẩm sẽ trực tiếp phá hủy cầu thận không thể phục hồi.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã cứu sống bệnh nhân ngộ độc cấp, suy đa tạng do uống thuốc giảm cân. Theo lời kể của bệnh nhân, người này mua cà phê giảm cân từ giới thiệu của người quen với mong muốn giảm cân.

Đến ngày thứ tư sau khi uống, chị bắt đầu rơi vào trạng thái bất tỉnh, co giật toàn thân, được đưa vào viện cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân đã bắt đầu bị tổn thương. May mắn chị đã được hỗ trợ hô hấp kịp thời nên tình trạng đã dần cải thiện.

Theo lời kể của bệnh nhân, một người bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4kg. Chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 3, bệnh nhân thấy mệt, cảm giác khó thở, sang ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát, háo nước. Cuối cùng chị rơi vào trạng thái bất tỉnh (biểu hiện bên ngoài là bị co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ).

_xuycn~r.jpg -0
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại trung tâm chống độc.

Đáng nói, gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm, kết quả cho thấy có chứa sibutramine - chất này đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng.

Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân tên Anh, 43 tuổi ở Quảng Ninh có chiều cao 1,6m, cân nặng 70kg, luôn tự ti về ngoại hình. Nghe theo lời quảng cáo có cánh trên mạng, chị Anh bỏ 1 triệu đồng đặt mua 2 lọ thuốc giảm cân hiệu được giới thiệu 100% từ thảo dược thiên nhiên, có xuất xứ Thái Lan về uống.

Sau 1 tháng, chị giảm được 3kg. Chưa kịp vui mừng với thành quả giảm cân đúng như cam kết của tư vấn viên, chị Anh bất ngờ xuất hiện buồn nôn, nôn ra máu tươi, máu đen. Sau 6 ngày điều trị, tình trạng của chị Anh không cải thiện, bị toan chuyển hóa, mồm miệng cứng và lở loét. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng yếu, không ăn uống được, phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp toàn bộ dạ dày, thực quản, xác định do hóa chất. Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản cho bệnh nhân, sau đó dùng hồi đại tràng phải tái tạo lại đường tiêu hóa.

Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện do sử dụng các dịch vụ giảm cân, giảm béo. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh - khoa nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay đa số các bệnh nhân đến viện khi đã có các biến chứng đi kèm.

Trước đó không lâu, Cục An toàn thực phẩm phát đi cảnh báo về sản phẩm được quảng cáo là hỗ trợ giảm cân có tên gọi Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim chứa chất cấm Sibutramine.

Chất cấm Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, từ tháng 10/2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine.

Hiện tại, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa hoạt chất này. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều công ty, nhiều người bán hàng không có tâm vì lợi nhuận vẫn bất chấp mua bán các loại thuốc giảm cân nguy hại.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển, địa chỉ ở Điểm công nghiệp Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) với số tiền tới trên 11 tỷ đồng do có nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất thực phẩm, đặc biệt là sử dụng chất cấm vào thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm hỗ trợ giảm béo. Cụ thể, công ty này đã sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe là Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP); không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo còn được phát hiện có chứa chất cấm sử dụng (Sildenafil, Sibutramine) trong sản xuất, chế biến thực phẩm…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - cho hay trong các loại thuốc giảm cân phổ biến có chứa sibutramine, chất độc đã bị cấm, có nhiều độc tính và tác dụng phụ. Khi sử dụng loại thuốc có chứa chất này sẽ gặp nguy cơ biến cố về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Theo bác sĩ Nguyên, giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược”, tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả là chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập hợp lý.

 https://antg.cand.com.vn/Phong-su/gap-hoa-voi-thuoc-giam-can-cap-toc-i727643/

Mai Ngọc / CAND