Toàn thế giới ghi nhận gần 1,6 triệu ca nhiễm và gần 95.000 người chết vì nCoV, trong đó Mỹ và châu Âu vẫn là điểm nóng.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.587.209 ca nhiễm và 94.850 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 76.105 và 6.512 so với hôm qua. 353.291 người đã hồi phục.
Nhân viên y tế Mỹ đưa thi thể bệnh nhân ra xe đông lạnh tại New York hôm 9/4. Ảnh: AFP. |
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 456.828 ca nhiễm nCoV, tăng 33.693 ca so với hôm qua. Thêm 1.904 người chết, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 16.294. Wyoming là bang duy nhất tại Mỹ chưa có người chết.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết vẫn có tin tốt về tình hình ở New York, tâm dịch tại Mỹ, khi các biện pháp cách biệt cộng đồng đang phát huy hiệu quả, đường cong đang được làm phẳng nhờ người dân tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch. "Những gì chúng ta đã và đang làm thực sự có tác dụng", ống nói.
Điều phối viên về nCoV của Nhà Trắng Deborah Birx nói các mô hình cho thấy số người chết tại Mỹ sẽ giảm đáng kể trong những ngày tới do người dân thay đổi mạnh mẽ hành vi. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci khẳng định dữ liệu thống kê cho thấy các biện pháp cách biệt cộng đồng đang có hiệu quả trong việc ngăn đại dịch.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 4.226 ca nhiễm và 446 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 152.446 và 15.238. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Cuộc sống của người dân Tây Ban Nha bị đảo lộn và thay đổi sâu sắc vì đại dịch. Các đám tang tại thủ đô Madrid chỉ diễn ra trong 15 phút, mỗi gia đình chỉ được cử tối đa 5 người đưa tiễn thân nhân và họ được yêu cầu giữ khoảng cách khi làm lễ.
Giới chuyên gia nhận định Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài lệnh "báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn dịch, bất chấp thiệt hại lớn về kinh tế.
Italy phát hiện 4.204 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 143.626, trong đó 18.279 người chết, tăng 610 trường hợp. Số ca nhiễm mới và tử vong đều đang tăng trở lại, trong khi Italy vẫn là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Italy là nước phương Tây đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu từ ngày 9/3.
Nước này sau đó gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 13/4. Nhiều doanh nghiệp kêu gọi mở cửa lại nhà máy, nhưng Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định Italy phải duy trì biện pháp khắt khe nếu muốn kiềm chế dịch, nhấn mạnh "các nhà khoa học khuyên chính quyền không nên nới lỏng hạn chế nào cả".
Đức báo cáo 116.801 người dương tính nCoV và 2.349 2.451 người chết, tăng lần lượt 3.505 và 102 so với hôm trước. Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này đang tập trung vào chiến lược xét nghiệm quy mô lớn và đã xét nghiệm hơn 1,3 triệu người.
Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, cho rằng các biện pháp hạn chế Covid-19 bước đầu đã có hiệu quả, nhưng thừa nhận còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Cơ quan này khuyến cáo cần tiếp tục duy trì "hạn chế cộng đồng", kêu gọi dân chúng tuân thủ các biện pháp ứng phó dịch của chính phủ.
Pháp xác nhận 5.831 ca nhiễm mới và 1.359 ca tử vong, nâng số tổng người nhiễm và người chết vì nCoV lên lần lượt 118.781 và 12.228. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp thông báo sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này kiềm chế dịch hiệu quả.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 65.863 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 895, nâng số người chết vì nCoV lên 7.992.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được rời phòng chăm sóc tích cực và sức khỏe đang có tiến triển tốt.
Trung Quốc ghi nhận thêm 38 ca nhiễm nCoV ngoại nhập và 47 trường hợp không có triệu chứng, nâng tổng số người nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên 81.907. Số người chết hiện là 3.336, trong đó tỉnh Hồ Bắc báo cáo thêm một ca tử vong nhưng không có người nhiễm mới.
Hàn Quốc chưa công bố số liệu hôm nay.
Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 66.220 ca nhiễm và 4.110 người chết.
Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 tại Trung Đông. Trong nỗ lực ngăn virus lây lan, chính quyền quyết định cấm tất cả hoạt động đi lại liên tỉnh ít nhất đến ngày 8/4, đóng cửa hầu hết doanh nghiệp, nhưng vẫn không áp dụng biện pháp phong tỏa.
Covid-19 gây thêm tổn thất cho nền kinh tế Iran, vốn đã khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. Tuy nhiên, chính phủ Iran đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4.
Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 4.228 ca nhiễm và 67 ca tử vong. Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 280 trường hợp, tăng 40 ca so với hôm trước, số ca nhiễm là 3.293.
Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 287 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.910, nhưng chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào và hiện dừng ở mức 6 người chết.
Vũ Anh (Theo AFP)
Vụ bác sỹ qua đời làm dấy lên nghi ngờ về số ca tử vong thực tế ở Mỹ
Dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở Mỹ khiến gần 15.000 người thiệt mạng. Nhưng, những con số này liệu có chính xác với số ... |
Dịch COVID-19 đến 21h ngày 9/4: Số người tử vong gần chạm mốc 90.000
Theo thống kê của worldometers, tính đến 21 giờ ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên ... |
Hơn 15.000 người chết vì nCoV tại Tây Ban Nha
Tây Ban Nha xác nhận thêm 683 người chết trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với hai ngày trước đó, nâng tổng ca tử ... |