Theo đại diện của Amazon, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giầy, sản phẩm tiêu dùng... có xuất xứ tại Việt Nam đang rất được ưa chuộng trên thế giới.
Thời gian gần đây, ông lớn trong ngành thương mại điện tử thế giới - Amazon có nhiều động thái mới trong việc tiếp cận các doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam. Mặc dù vậy, khả năng Amazon bước chân vào mảng thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam được thế giới chú ý
Theo đó, Amazon Global Selling đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại đã có những kế hoạch đầu tiên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phát triển kinh doanh trên toàn cầu và xây dựng thương hiệu quốc tế. Amazon cũng đã lựa chọn ra 100 doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên để hỗ trợ tiếp cận ra thị trường thế giới.
Amazon đang có nhiều hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: CNN)
Các doanh nghiệp này sẽ được đào tạo một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng bán hàng trực tiếp hoặc online, hỗ trợ và tư vấn chuyên sâu cũng như giá chiết khấu với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương, quy trình logistics, kỹ năng quản lý,... Điều này sẽ giúp các sản phẩm của Việt Nam đúng quy chuẩn của Amazon và có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thế giới.
Theo đại diện của Amazon, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giầy, sản phẩm tiêu dùng,... có xuất xứ tại Việt Nam đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Đây cũng sẽ là nhóm hàng trọng điểm mà Amazon muốn giới thiệu ra thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng xu hướng hàng hóa trên thế giới, nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu.
Ông Bernard Tay, Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á cho biết: “Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây ứng dụng thương mại điện tử ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài".
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh: “Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu là một trong những mục tiêu trọng tâm của Cục Xúc tiến Thương mại, vì vậy chúng tôi đang tích cực hợp tác với Amazon Global Selling để mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với những đặc trưng riêng của các doanh nghiệp và hàng hoá tại Việt Nam, kết hợp với hệ thống phân phối toàn cầu của Amazon, chúng tôi tin tưởng chương trình phối hợp sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế".
Vẫn còn sớm để Amazon bước vào thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam?
Tháng 3/2018, những thông tin đầu tiên về việc Amazon đổ bộ vào Việt Nam được phát đi, song đây mới là những hợp tác chính thức đầu tiên được các bên công bố.
Đánh giá về khả năng Amazon bước chân vào Việt Nam, bà Đoàn Giang, trưởng phòng truyền thông của nền tảng quản lý bán hàng đa kênh SapoX cho rằng, trong tương lai Amazon sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Sendo,... tuy nhiên, bây giờ chưa phải lúc.
"Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có bước phát triển đáng kể trong thời gian gần đây, tuy nhiên, so với thế giới vẫn còn quá nhỏ để bước chân vào", vị này nói.
Bà Giang cho rằng: "Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có thông tin chính thức nào về việc trang Amazon vào thị trường Việt Nam, hiện tại vẫn là những động thái cho thấy Amazon tập trung vào việc tìm kiếm nguồn hàng bổ sung cho sàn thương mại điện tử của họ".
Bà Giang đặt ra câu hỏi, trong trường hợp Amazon quyết tâm vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ làm gì để tồn tại và để cạnh tranh với các đối thủ "nội" trong "miếng bánh" thương mại điện tử.
Ngay cả trong thời điểm hiện tại, Amazon chưa hoạt động tại Việt Nam, song người tiêu dùng trong nước vẫn có thể mua hàng thông qua nền tảng của họ (có thể ở một quốc gia khác). Việc mua hàng trên Amazon (một quốc gia bất kỳ) có thể gặp trở ngại về thời gian vận chuyển và một số mặt hàng không hỗ trợ vận chuyển cho thị trường Việt Nam.
"Trong khi đó, các trang thương mại điện tử trong nước đang hoạt động rất tốt, bản thân người tiêu dùng cũng đã hình thành thói quen mua sắm tại các trang thương mại điện tử này", bà Giang nói.
Amazon sẽ đào tạo kỹ năng bán hàng cho doanh nghiệp Việt
Đây là nội dung trong giai đoạn tiếp theo của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thế giới do Cục ... |
Vì sao Trung Nguyên chia tài sản khó khăn hơn Amazon?
Doanh nghiệp chưa niêm yết, định giá gây tranh cãi... khiến việc phân chia quyền và tài sản ly hôn của vợ chồng chủ cà ... |
7 sinh vật đáng yêu nhất thế giới và nơi tìm ra chúng
Trên thế giới có quá nhiều loài động vật xinh đẹp khiến ta sẵn sàng "móc hầu bao", book vé đi du lịch chỉ để ... |
Amazon muốn tuyển thêm 100 nhà cung cấp từ Việt Nam
Trong đợt tuyển mộ tới, Amazon muốn tìm được 100 nhà cung cấp chủ yếu các mảng thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, ... |