FSB: Kế thừa danh tiếng KGB, đi đầu trong chống phản gián ở Nga

Vài trò của Cơ quan an ninh liên bang (FSB) không chỉ bảo vệ an ninh nội địa của nước Nga mà còn cả phản gián, chống khủng bố và nhiều nhiệm vụ không tên khác.

Trải qua lịch sử phát triển hơn 28 năm, cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) là một những cơ quan đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của nước Nga hiện nay sau khi Liên Xô tan rã. Trực thuộc dưới quyền Tổng thống Nga, FSB có thể thực hiện được mọi loại nhiệm vụ được điện Kremlin giao phó nhằm bảo vệ nước Nga trước mọi mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài.

Hiện nay nhiệm vụ chính của FSB vẫn là bảo vệ an ninh nội địa, bảo vệ biên giới, chống khủng bố và điều tra các loại tội phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ quan này còn làm cả công tác phản gián, nhưng hoạt động độc lập với các cộng đồng tình báo khác của Nga.

Các thành viên lực lượng đặc nhiệm

Các thành viên lực lượng đặc nhiệm "Alpha" và "Vympel" của FSB trong khủng hoảng Hạ viện Nga vào năm 1993. (Ảnh: RT)

Kế thừa danh tiếng KGB

Sau cuộc đảo chính tháng 8/1991, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) thất bại trong việc giành lấy chính quyền từ tay Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô Mikhail Gorbachev. Chỉ 4 tháng sau Liên Xô tan rã kéo theo việc KGB bị giải thể.

Cùng với sự tan rã của Liên Xô là sự hình thành của nhà nước Liên bang Nga, Moskva cần đến một cơ quan an ninh mới để bù đắp khoảng trống KGB để lại. Từ những gì còn sót lại của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin quyết định thành lập Tổng cục Phản gián Liên bang (FSK) – đây cũng chính là tiền thân của FSB sau này.

Tuy nhiên FSK chỉ chiếm phần trong các đơn vị của KGB, cơ quan mật vụ còn có các đơn vị kế thừa khác như Cơ quan tình báo Nước ngoài (c), Cơ quan bảo vệ liên bang (FSO) và Tổng cục các chương trình đặc biệt (GUSP).

Bốn năm sau khi FSK được thành lập, Tổng thống Yeltsin tiếp tục cải tổ cơ quan mật vụ này và chuyển nó thành Cơ quan an ninh liên bang (FSB) vào ngày 12/4/1995.

Ban đầu, FSB được thành lập nhằm mục đích bảo vệ quyền lực điện Kremlin trong nội địa nước Nga, nhưng về sau cơ quan an ninh này ngày càng mở rộng các hoạt động họ ra khỏi biên giới.

Tháng 8/1997, ông Vladimir Putin khi đó là Phó chánh văn phòng Tổng thống Nga được ông Yeltsin bổ nhiệm làm giám đốc FSB và kể từ đó, cơ quan an ninh trở thành một trong những “đồng minh” trung thành nhất của ông.

Năm 2003, quyền hạn của FSB được mở rộng khi sáp nhập thêm Tổng cục Biên phòng và đại bộ phận của Cơ quan Liên bang Thông tin và Truyền thông Chính phủ (FAPSI) do cơ quan này bị bãi bỏ. FSB trực thuộc Bộ Tư pháp theo sắc lệnh tổng thống ký ngày 9/3/2004. Lãnh đạo toàn diện của cơ quan này là Tổng thống Nga.

Sau khi quyền lãnh đạo FSB được trao cho tổng thống lãnh đạo, FSB càng được trao thêm nhiều quyền lực cũng như những "tấm lá chắn". Năm 2003, FSB tiếp thu phần lớn những kỹ thuật tình báo mạng và nghe lén điện tử của FAPSI (tương đương NSA, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ). Năm 2005, FSB bắt đầu hoạt động tại các quốc gia láng giềng trong khối Liên Xô cũ.

Năm 2006, Nga thông qua một điều luật cho phép sử dụng quân đội "để ngăn chặn các hoạt động khủng bố quốc tế bên ngoài Liên bang Nga", trong đó FSB đóng vai trò nòng cốt.

Tháng 5/2008, ông Alexander Bortnikov được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bổ nhiệm làm Giám đốc FSB và ông giữ chức vụ này cho đến tận hiện nay.

Tổng thống Nga Putin cùng Giám đốc FSB Alexander Bortnikov (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng  Sergei Shoigu. (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Putin cùng Giám đốc FSB Alexander Bortnikov (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng  Sergei Shoigu. (Ảnh: AP)

 

Lá chắn bảo vệ nước Nga

Kể từ sau khi được cải tổ, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Putin (2006 – 2008), FSB bắt đầu đạt được nhiều thành công trong việc đảm bảo an ninh nội địa của nước Nga trước các nguy cơ tấn công khủng bố từ bên ngoài. Các vụ tấn công khủng bố ở Nga giảm dần từ 257 vụ năm 2005 xuống còn 48 vụ năm 2007.

FSB trong năm 2008 đã ngăn chặn được 97 âm mưu tổ chức khủng bố, trong số đó có 50 vụ được dự định tiến hành ở các nơi có đông người như bến tàu điện ngầm, các nhà hát, rạp chiếu phim...

Bên cạnh đó, FSB cũng thành công trong nhiệm vụ phản gián khi phát hiện và ngăn chặn hoạt động của 48 điệp viên, 101 cơ quan tình báo nước ngoài với 76 nhân viên người nước ngoài và 25 nhân viên nguời Nga. Trong đó có 6 điệp viên và 3 cơ quan tình báo nước ngoài bị bắt quả tang khi đang hoạt động. Kết quả này cao gấp 2 lần so với kết quả năm 2007 khi chỉ phát hiện được 22 điệp viên và năm 2006 là 27 điệp viên. Trong số các điệp viên trên đã có 9 người bị trục xuất khỏi nước Nga.

Khi vị thế của FSB gia tăng, uy tín của các cơ quan tình báo khác bị giảm sút. Năm 2008, Cơ quan tình báo quân đội (GRU) bị một phen mất mặt vì những sai lầm ngớ ngẩn trong cuộc chiến tranh Georgia, khiến các đơn vị quân đội Nga bị thiệt hại nặng nề.

Khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ sau cuộc cách mạng Euromaidan năm 2014, FSB là cơ quan liên hệ thân cận nhất với ông Yanukovych đã quả quyết một cách mạnh mẽ rằng ông ta sẽ tồn tại được.

Thực tế sau này cho thấy chuyện ấy không diễn ra như những gì FSB báo cáo, tuy nhiên cơ quan này vẫn nhận được sự ủng hộ từ ông Putin. Trong khi đó SVR phải chịu mọi trách nhiệm và "gánh” thất bại tình báo này.

Khi tầm vóc và vai trò của FSB tăng lên, các đối thủ trong cộng đồng tình báo ở Nga cũng suy giảm vị thế. Ông Putin cũng cảm thấy SVR quá bảo thủ và nhút nhát vì tự hạn chế mình trong những hoạt động thu thập thông tin đơn điệu. Cơ quan này không thể hiện được vai trò như kỳ vọng của ông Putin.

Những "điểm trừ" có thể liệt kê như SVR không có được thông tin để chứng minh Mỹ dẫn đầu chiến dịch cô lập nước Nga, hay việc Washington âm mưu lật đổ những chính quyền thân với Moskva (như ở Georgia năm 2003, Ukraine năm 2004 và Kyrgyzstan năm 2005). Do đó, trong mắt của ông Putin, FSB xứng đáng được trọng vọng để lấp đầy những lỗ hổng mà GRU và SVR tạo ra.

FSB có được ngân sách dồi dào và được chính phủ Nga ủy thác tiến hành những chiến dịch chính trị ở hải ngoại, nhất là châu Âu và Mỹ. FSB có thể làm những việc mà các cơ quan khác chỉ dám nghĩ chứ không dám làm vì chúng quá mạo hiểm. Bởi lẽ chúng động chạm quá lớn đến chính trị hoặc có khả năng phản tác dụng.

Vai trò của FSB càng được thể hiện rõ hơn sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Vai trò của FSB càng được thể hiện rõ hơn sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Hiện nay, FSB vẫn đóng trụ sở tại tòa nhà lịch sử trên quảng trường Lubyanka ngay trung tâm Moskva. Hiện thời không có con số chính xác về quân số của FSB, song chuyên gia an ninh Andrei Soldatov cho rằng, có thể ít nhất 200.000 người làm việc cho cơ quan này.

Tài sản lớn nhất mà FSB sở hữu là khả năng sẵn sàng chớp lấy mọi cơ hội. Về khía cạnh này, FSB chỉ đơn giản là phản ánh lại đúng chất của ông Putin, người có thể làm tốt kể cả trong tình huống éo le, người khó đoán định và sẵn sàng đối đầu khi cần thiết. Nhìn vào các truyền thống lịch sử của Liên Xô là cách hay nhất để lý giải sự táo bạo của các hoạt động tình báo của Nga hiện nay, từ việc phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, tới việc hạ bệ các đối thủ của Điện Kremlin ở nước ngoài.

Vai trò của FSB càng được thể hiện rõ hơn sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cơ quan này không chỉ phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa mà còn chống phản gián, chống biệt kịch Ukraine hoạt động dọc theo biên giới và sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên không phải lúc nào FSB cũng thành công trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công phá hoại của Ukraine. Điển hình như vụ tấn công cầu Kerch nối lục địa Nga với bán đảo Crimea vào tháng 10/2022, hay các vụ ám sát các nhân vật có tiếng nói ở Nga như vụ ám sát triết gia người Nga Alexander Dugin, phóng viên chiến trường Vladlen Tatarsky và nhiều vụ tấn công phá hoại khác.

https://vtc.vn/fsb-ke-thua-danh-tieng-kgb-di-dau-trong-chong-phan-gian-o-nga-ar804012.html

Trà Khánh / VTC News