Fed tăng lãi suất lần thứ 10, Việt Nam có chịu ảnh hưởng?

Lần thứ 10 trong hơn 1 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Kinh tế Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì không?

Nhận định về việc Fed tăng lãi suất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định này tác động đến thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với chính sách điều hành kinh tế của chúng ta hiện nay thì Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế - tài chính TS Bùi Kiến Thành phân tích, trước hết phải khẳng định việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đầu tiên đến hoạt động của các ngân hàng Mỹ.

“Đến nay ngây hàng thứ 3 của Mỹ bị sụp đổ, một phần cũng do lãi suất của Fed tăng, ảnh hưởng đến đầu tư trái phiếu dài hạn”, ông Thành nêu ví dụ.

Tất nhiên việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, liên thông với thế giới và Mỹ là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam.

Những đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng vừa qua giảm đáng kể do các đối tác tại Mỹ và trên thế giới bị ảnh hưởng. Việc Fed tăng lãi suất có thể cũng sẽ tác động đến việc đầu tư của Mỹ và một số nước khác vào Việt Nam”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang khá vững chắc. Bên cạnh đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rõ ràng bằng việc liên tiếp hạ lãi suất thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Ngân hàng Nhà nước vẫn cần động thái mạnh mẽ hơn nữa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Còn Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động”, ông Thành nêu quan điểm.

Fed tăng lãi suất lần thứ 10, Việt Nam có chịu ảnh hưởng? - 1

Việc Fed tăng lãi suất được cho là không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet).

 

Cũng trả lời VTC News, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, việc tăng lãi suất của Fed được nhìn dưới hai góc độ. Thứ nhất là họ vẫn tiếp tục làm với mục tiêu đưa lạm phát của Mỹ về mức mong muốn là trên dưới 2%, không để nền kinh tế Mỹ bị suy thoái nặng.

“Việc Fed tăng lãi suất không có gì bất ngờ và là điều tất yếu phải diễn ra. Tuy nhiên, gần đây ở Mỹ đang dấy lên việc Fed có còn tăng lãi suất hay không, trong bối cảnh một số ngân hàng tại Mỹ sụp đổ”, TS Võ Trí Thành nói.

Ở góc độ thứ hai, ông Thành cho rằng, xét những điều kiện về mục tiêu lạm phát và các điều kiện kinh tế, tình hình việc làm cho người lao động, Fed nhận thấy vẫn có thể tăng lãi suất được nên cũng đã đưa ra những tín hiệu về điều này. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất đã thấp hơn so với dự báo. Bên cạnh đó là thời gian tăng cũng kéo giãn và không mạnh mẽ theo kiểu “diều hâu".

Ông Thành cũng nêu nhận định, về cơ bản việc Fed tăng lãi suất lần này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, bởi chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam đã khá ổn định. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn cần tập trung hơn, hướng đến việc làm thế nào để phục hồi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững; các chính sách cũng cần ưu tiên hướng đến khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tính lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Thành tin rằng khả năng dịch chuyển vốn ở Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. Do vậy, Fed tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. 

Từng nhận xét về việc Fed nhiều lần tăng lãi suất, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, phân tích, việc tăng lãi suất dù thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch ở nước ngoài của Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp phải đi vay quốc tế bằng USD thì chịu lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì sức ép về tỷ giá giữa USD và Đồng Việt Nam là không đáng kể. 

“Việc giữ vững giá trị Đồng Việt Nam so với USD vẫn được đảm bảo, từ đó hỗ trợ cho hoạt động và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn", ông Thịnh nói.

Còn nói về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tiếp giảm lãi suất điều hành, ngược chiều với thế giới, ông Thịnh, cho rằng: “Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là nâng cao sự ổn định, giữ vị thế đồng Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, chú trọng nhất là giữ ổn định đồng Việt Nam so với USD.

Tôi cho rằng cách điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay là đúng đắn, giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD là một chính sách cực kỳ quan trọng để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường”.

Hôm 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đây là lần tăng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022.

Với quyết định này, lãi suất cơ bản hiện lên mức 5 - 5,25%.

Lãi suất này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng.

Trước đó, nhiều dự báo cho rằng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại của lạm phát dường như thúc đẩy các quan chức Fed tiếp tục tăng lãi suất.

https://vtc.vn/fed-tang-lai-suat-lan-thu-10-viet-nam-co-chiu-anh-huong-ar770171.html

PHẠM DUY - CÔNG HIẾU / VTC News