F0 cách ly tại nhà và người chăm sóc cần lưu ý gì?

Khi nhiễm Covid-19 và đủ điều kiện cách ly tại nhà, F0 cần thực hiện đúng các biện pháp tự cách ly để nhanh chóng hồi phục, tránh lây lan cho cộng đồng.

F0 tự cách ly và điều trị tại nhà

Theo tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 của Bộ Y tế, F0 đủ các điều kiện cách ly tại nhà khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ; không có suy hô hấp (SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút); sốt nhẹ; không có bệnh nền, không đang mang thai; những người trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.

Bên cạnh đó, F0 phải có sẵn và sử dụng được các phương tiện như điện thoại, máy tính để có thể liên lạc với nhân viên y tế, nhận hỗ trợ theo dõi và giám sát ngay khi có vấn đề khẩn cấp. Đặc biệt, người nhiễm Covid-19 phải có khả năng tự dùng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế từ xa.

Cách ly người nhiễm với người khác

Gia đình cần bố trí phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng cho người nhiễm. Nếu không có phòng riêng thì đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm. Người chăm sóc cần giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người nhiễm. Người nhiễm cũng cần tuân thủ không ăn uống, dùng chung đồ vật, dụng cụ ăn uống, sinh hoạt hay tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi; không di chuyển ra khỏi khu vực cách ly.

Bề mặt phòng, khu vực riêng của người nhiễm bệnh cần được vệ sinh ít nhất một lần một ngày. Cách pha dung dịch khử khuẩn:

- 5 muỗng cà phê bột Cloramin B 25% và 1 lít nước.

- Hoặc Javel 5% pha đậm đặc gấp 10 lần so với hướng dẫn trên nhãn chai.

- Thuốc tẩy pha với nước theo tỷ lệ 1/10: Sử dụng 5 muỗng canh hoặc 1/3 cốc và 250 ml nước.

Lứu ý: Dung dịch khử khuẩn đã pha chỉ có hiệu quả sử dụng trong vòng 24 giờ. Không trộn lẫn các hóa chất hoặc dung dịch tẩy rửa với nhau; không để các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn trực tiếp dưới ánh mặt trời hoặc lên da tay.

Quần áo của người mắc Covid-19 cũng cần được giặt riêng với nước ấm nhất có thể. Người chăm sóc phải đeo găng tay nếu xử lý đồ vải của người nhiễm. Các đồ vải cần được sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn.

Bên cạnh đó, nhà cần mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể để không khí luôn lưu thông, thay đổi; không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm; không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung; sử dụng quạt và máy lọc không khí.

Rửa tay đúng cách

Thời điểm rửa tay: cả F0 lẫn người nhà cần rửa tay trước và sau khi nấu ăn hoặc ăn uống; sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; chạm tay vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh hay thu dọn rác thải.

Cách rửa tay:

- Bằng xà phòng: Làm ướt tay dưới vòi nước sạch (nước ấm hoặc lạnh), tắt vòi nước; xoa xà phòng vào tay và chà hai bàn tay; xoa xà phòng lên mu bàn tay, giữa các kẽ ngón tay và dưới móng tay, chà trong ít nhất 30 giây. Sau đó, rửa kỹ tay dưới vòi nước sạch, lau khô bằng khăn sạch hoặc để khô tự nhiên.

- Rửa tay khô: Dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60%. Người dùng bơm một lượng dung dịch rửa tay khô bằng đồng xu vào bàn tay; chà hai bàn tay vào nhau, xoa khắp bề mặt các ngón tay cái, lòng và mu bàn tay, kẽ ngón tay cho tới khi cảm thấy tay khô (khoảng 30 giấy). Để khô tự nhiên, bàn tay phải khô hoàn toàn trước khi chạm vào các vật dụng.

Bên cạnh đó, gia đình phải chuẩn bị các vật dụng cần thiết như khẩu trang y tế dùng một lần, găng tay y tế, nhiệt kế, máy đo huyết áp... để theo dõi tình hình sức khỏe của F0. Cùng với đó, người nhà cần chuẩn bị đồ dùng cá nhân dùng riêng cho người nhiễm như bàn chải đánh răng, khăn tắm, bộ dụng cụ ăn uống...

PV (th)

Chuyên gia: F0 điều trị tại nhà chú ý vận động điều độ, tinh thần thoải mái Chuyên gia: F0 điều trị tại nhà chú ý vận động điều độ, tinh thần thoải mái
F0 cộng đồng tiếp tục tăng ở nhiều địa phương, Hà Nội dịch cấp độ 2 F0 cộng đồng tiếp tục tăng ở nhiều địa phương, Hà Nội dịch cấp độ 2
Số F0 ở TP.HCM đã giảm, vì sao Hà Nội lại tăng từng ngày? Số F0 ở TP.HCM đã giảm, vì sao Hà Nội lại tăng từng ngày?
/ Nghề nghiệp và cuộc sống