Ép doanh nghiệp mua sách - một loại nhũng nhiễu cần xử lý!

Anh Nguyễn Vinh Hoàng, Giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội bức xúc cho biết, “đều như vắt chanh”, năm nào anh cũng nhận được điện thoại từ một cán bộ tự xưng là thanh tra thuế gọi điện yêu cầu mua sách và các tài liệu hướng dẫn về thuế.

“Người này nắm danh sách, hồ sơ doanh nghiệp (DN), tên tuổi lãnh đạo DN rất rõ. Không phải chỉ tôi mà mấy người bạn DN khác cũng đều nằm trong danh sách theo dõi của họ và đều được chào mời mua sách, tài liệu thuế. Vì thế, khi họ gọi yêu cầu mua sách, dù không thích cách bị ép buộc, nhưng chúng tôi đều chấp nhận chuyển tiền và nhận sách qua đường giao hàng.

Năm nay, do dịch bệnh khó khăn, chi tiêu thiếu trước hụt sau, cố duy trì trả lương cho anh em còn không đủ, nên khi bị chào mời- chính xác là yêu cầu mua sách, tôi đã phân bua năm nay khó khăn quá, làm ăn thua lỗ, không có tiền, nên xin dừng không mua 1 năm. Thế là đầu dây bên kia, số điện thoại 0932472xxx- liền trở mặt, bảo tôi nếu khó khăn quá, đến mức sách còn không mua nổi thì sẽ cho dừng mã số thuế của công ty. Điều này khác nào tước quyền kinh doanh của chúng tôi. Cực chẳng đã, tôi đành phải chấp nhận mua sách để mọi chuyện lại tốt đẹp”, anh Hoàng bức xúc.

cam-nang-thanh-tra-thue.jpg -0

Tổng cục Thuế khẳng định không có chủ trương bán sách cho doanh nghiệp. ảnh minh họa

Cũng chung tâm trạng bị ép buộc, cực chẳng đã phải mua sách, chị Nguyễn Thị Hoa - kế toán một công ty về thiết bị vệ sinh cũng cho biết, năm nào chị cũng phải “biến hóa” số liệu kế toán khoản tiền mua sách, tài liệu thuế. “Năm nay, dịch bệnh khó khăn, các loại hóa đơn chứng từ tiếp khách đều không có, thêm khoản tiền mua bán sách này nữa, tôi đang “đau đầu” để hợp thức hóa các khoản chi tiêu không có trong danh mục", chị Hoa cho biết.

Thực tế, việc DN bị chào mời mua sách, tài liệu thuế là việc không mới. Số tiền mà các đối tượng ép buộc mua cũng không quá lớn- chỉ trên dưới 1 triệu đồng nên nhiều DN muốn yên thân thì đành tặc lưỡi chấp nhận. Điều đáng nói là hầu hết những đối tượng ép mua sách này đều nắm rõ hồ sơ DN, tên tuổi lãnh đạo nên rất dễ dọa dẫm. Hơn nữa, tình trạng tiêu cực trong mối quan hệ giữa cán bộ thuế với DN vẫn luôn là vấn nạn khiến cho DN “chột dạ”.

Theo điều tra của VCCI, năm 2015, 32% DN phải lót tay cho cán bộ thuế. Tuy nhiên, tỷ lệ các DN phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% vào năm 2020 từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và DN.

Trở lại câu chuyện ép mua sách, tài liệu thuế, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Đức Huy- Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho rằng, khả năng đây là lừa đảo để trục lợi, vì “ngành Thuế không có chủ trương in và bán sách, tài liệu thuế. Tất cả cán bộ thuế cũng không có chức năng bán sách, và không có quyền dừng mã số thuế của DN chỉ vì không mua sách. Việc dọa dẫm DN như phản ánh nói trên có thể là do người ngoài ngành Thuế lợi dụng mạo danh cán bộ để lừa đảo. Tất nhiên cũng có thể xảy ra trường hợp đúng là cán bộ thuế biến chất. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu đúng là cán bộ thuế sẽ xử lý nghiêm. Còn với DN, chúng tôi khẳng định ngành Thuế không ép DN mua sách. Nếu rơi vào các trường hợp đó, DN hãy gọi điện đến đường dây nóng của các cục thuế địa phương để phản ánh”, ông Huy khẳng định.

Được biết, trước đó, Tổng cục Thuế cũng cho biết có những cuộc điện thoại gọi đến DN tự xưng danh là cán bộ thuế, công chức cơ quan thuế các cấp để mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo, ép DN mua sách, tài liệu, ký hợp đồng tài trợ cho hoạt động in, xuất bản sách hoặc ấn phẩm vinh danh DN, cẩm nang về thuế, lập quỹ hỗ trợ của ngành thuế…

“Tổng cục Thuế khẳng định không có chủ trương cử cán bộ gọi điện, fax hay mang sách, tài liệu bán cho DN hoặc đề nghị tài trợ cho bất kỳ hoạt động nào. Việc mạo danh, giả danh như trên là những hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cán bộ thuế, cơ quan thuế các cấp để trục lợi cá nhân, lừa đảo DN. Việc làm này đã và đang làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của lãnh đạo, cán bộ, công chức thuế. Các hành vi trái pháp luật nêu trên có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cần phải được ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo pháp luật.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế quán triệt tới toàn bộ công chức, người nộp thuế trên địa bàn và thông báo công khai trên trang web của cục thuế, bộ phận “một cửa”, trên các phương tiện truyền thông để tổ chức, cá nhân, người nộp thuế biết và phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan Công an nhằm phòng ngừa và phát hiện kịp thời các đối tượng có hành vi mạo danh, giả danh nêu trên. Trường hợp phát hiện những cá nhân mạo danh, giả danh công chức thuế, cơ quan thuế để bán sách, đề nghị tài trợ… đề nghị người nộp thuế phản ánh kịp thời qua đường dây nóng của cơ quan thuế và cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp phối hợp, xử lý kịp thời”, Tổng cục Thuế khẳng định.

Hà An

Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân đừng ‘thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân đừng ‘thấy sóng cả mà ngã tay chèo’
Đề xuất doanh nghiệp, cá nhân được tiêm vaccine tự trả phí Đề xuất doanh nghiệp, cá nhân được tiêm vaccine tự trả phí
Những phí dịch vụ được giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giữa mùa COVID-19 Những phí dịch vụ được giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giữa mùa COVID-19
/ cand.com.vn