Cố vấn kinh tế Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền lệnh cho các công ty Mỹ rời Trung Quốc như ông tuyên bố.
Đáp trả tuyên bố áp thuế trả đũa với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ của Trung Quốc, Tổng thống Trump hôm 24/8 nói ông có thể viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) 1977 để lệnh cho các công ty Mỹ rời Trung Quốc, "về nước" và sản xuất sản phẩm tại Mỹ.
Nhiều người hoài nghi về tuyên bố này, cho rằng ông Trump chỉ đang dọa suông và đặt nghi vấn về tính hợp pháp khi một vị Tổng thống viện dẫn một đạo luật để quyết định chuyện kinh doanh của các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow trong cuộc phỏng vấn với CBS mới đây khẳng định ông Trump hoàn toàn có quyền này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Fox News) |
"Đó là thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Trên lý thuyết luật này tồn tại, nhưng đó không phải là những gì mà tổng thống nói. Ông ấy đang yêu cầu các công ty Mỹ xem xét, có cái nhìn mới mẻ về việc rời khỏi Trung Quốc, tìm kiếm một địa điểm mới mà tốt nhất là trở về Mỹ", ông cho hay.
Trước ông Kudlow, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng khẳng định tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ không phải chỉ là nói chơi vô căn cứ.
“Ông ấy có thẩm quyền làm điều đó. Nhưng ông ấy vẫn chưa làm. Tôi nghĩ những gì ông ấy muốn nói là ông ấy đang yêu cầu các công ty Mỹ bắt đầu xem xét phương án đó”, ông Mnuchin nói.
Theo các chuyên gia về luật, về lý thuyết ông Trump không có quyền ra lệnh trực tiếp cho các công ty rời Mỹ. Nhưng ông có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp 1977" IEEPA. Đạo luật này sẽ trao cho ông thêm quyền để điều chỉnh một loạt các giao dịch kinh tế với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump sẽ phải tham khảo ý kiến của Quốc hội sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Khi đó, Quốc hội có quyền hủy bỏ tuyên bố này nếu cảm thấy lý do ban bố tình trạng khẩn cấp của ông chủ Nhà Trắng là không phù hợp.
Theo Reuters, ngoài giải pháp phải phụ thuộc cái gật hoặc lắc đầu của các nghị sĩ trong Quốc hội, Tổng thống Trump vẫn nắm trong tay những công cụ khác buộc các công ty Mỹ ngừng làm ăn với Trung Quốc không cần sự phê chuẩn của lưỡng viện.
Ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết công cụ đầu tiên là quyền tác động của ông Trump vào hợp đồng của các công ty Mỹ với cơ quan chính phủ liên bang.
Một số công ty hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải lo ngại về việc bị đá ra khỏi "thị trường" màu mỡ này. Đơn cử như trường hợp của Boeing, hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất vũ khí chính cho Lầu Năm Góc.
Boeing vừa mở cơ sở sản xuất máy bay 737 đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái để cạnh tranh với đối thủ Airbus. Nhưng bám trụ vào thị trường này mà đánh rơi các hợp đồng béo bở gắn với nhiều lợi ích với các cơ quan liên bang chắc chắn sẽ không phải là lựa chọn hay.
Một lựa chọn khác dù rất khó xảy ra những không phải không có khả năng là kích hoạt Đạo luật Giao dịch với Kẻ thù, được Quốc hội Mỹ thông qua từ Thế chiến I.
Đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ điều chỉnh và trừng phạt thương mại với một quốc gia mà Mỹ đang có chiến tranh. Tuy nhiên, theo chuyên gia ông chủ Nhà Trắng khó có khả năng viện dẫn luật này vì nó sẽ làm leo thang căng thẳng cao độ với Trung Quốc.
(Nguồn: Reuters, Huffpost)